Nam, 25 tuổi, ở Hà Nội, nhìn chằm chằm vào trần nhà suốt đêm, "chỉ ước không bao giờ tỉnh dậy". Vài tuần trước, anh nhận kết quả đồng nhiễm HIV và giang mai sau khi đi khám vì loét miệng, sụt cân bất thường. "Mỗi ngày với tôi là một cơn ác mộng. Nhìn mình trong gương mà thấy đáng ghê tởm", Nam tâm sự với bác sĩ, Nguyễn Khắc Dũng, giảng viên Khoa Tâm lý và Khoa học Giáo dục, Đại học Đại Nam, khi đến trị liệu hồi cuối tháng 4. Kết quả thăm khám cho thấy Nam mắc rối loạn lo âu và trầm cảm nặng, được bác sĩ kê đơn thuốc kèm tư vấn tâm lý.
Phong, 31 tuổi, rơi vào trạng thái tương tự sau ngày nhận kết quả xét nghiệm HIV kèm bệnh lậu. Anh bước ra khỏi phòng khám, cảm giác "dơ bẩn và tội lỗi". Những ngày sau, Phong đóng chặt mình trong phòng, tránh né mọi liên lạc. Thậm chí, ý nghĩ kết thúc tất cả từng lởn vởn trong đầu anh, cho đến khi được kết nối với chuyên gia tâm lý.
"Những giọt nước mắt đầu tiên bật ra trong im lặng của gian phòng trị liệu là bước khởi đầu giúp tôi đối diện với nỗi đau mà mình mang theo", người đàn ông chia sẻ hôm 4/5.
Việt Nam hiện có khoảng 267.000 người sống chung với HIV, trong đó lây nhiễm qua đường tình dục chiếm tới 80,8%, tăng mạnh so với con số 47,5% vào năm 2010. Đặc biệt, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ cao nhất với 42,2% trong số ca mới phát hiện năm 2024. Đáng chú ý, nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2020 cho thấy trong 82 nam có quan hệ tình dục đồng giới nhiễm HIV đang điều trị ARV, có tới 11% đồng nhiễm HPV, 8,5% viêm gan B, và 7,3% mắc lao. Tổng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và bệnh lý tình dục ở nhóm này lên tới 53,7%.
"Đồng nhiễm HIV cùng các bệnh tình dục tạo ra gánh nặng kép, không chỉ khiến hệ miễn dịch suy yếu nhanh hơn mà còn tác động mạnh đến sức khỏe tinh thần", bác sĩ Dũng giải thích.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV làm tăng tỷ lệ trầm cảm, lo âu và ý định tự tử ở những người nhiễm bệnh. Đơn cử, công trình năm 2024 của Trường Đại học Y Dược Huế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế với 207 người nhiễm HIV/AIDS, 32,4% bệnh nhân có biểu hiện lo âu và 21,7% trầm cảm. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trầm cảm trong dân số chung chỉ khoảng 4,4% theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tại Khoa Hồi sức, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - tuyến cuối về bệnh truyền nhiễm ở miền Bắc, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa, cho biết bệnh viện tiếp nhận trung bình 2-3 người nhiễm HIV nguy kịch mỗi ngày. Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt, với tỷ lệ tử vong cao. Nhiều người mắc đồng thời 4-5 bệnh nền, cùng với các bệnh lây qua đường tình dục và nhiễm trùng khác, khiến tâm lý họ càng thêm bất ổn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Viện đào tạo BHIU Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, giải thích: "Nam giới quan hệ đồng tính có nguy cơ lây bệnh HIV và các bệnh qua đường tình dục khác cao hơn do quan hệ đường hậu môn, vì niêm mạc ở trực tràng dễ tổn thương và virus dễ xâm nhập hơn niêm mạc âm đạo. Người trẻ thường chủ quan, thiếu kiến thức về bệnh lý và phòng tránh, khi phát hiện nhiễm bệnh dễ rơi vào trạng thái sốc tâm lý".
Các nghiên cứu gần đây còn phát hiện tình trạng sử dụng chất kích thích trong quan hệ tình dục (chemsex) ngày càng phổ biến, đặc biệt trong nhóm MSM, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và STIs. Khảo sát trên 269 người MSM tại Việt Nam cho thấy 71% không sử dụng bao cao su thường xuyên trong các buổi chemsex, chỉ 11% biết tình trạng HIV/STIs của bạn tình.
Người nhiễm HIV đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc đối diện với cái chết, mất việc làm, đến gánh nặng kinh tế và sự kỳ thị xã hội. Khi đồng mắc thêm các bệnh tình dục, áp lực này càng nhân lên gấp bội.
Các dấu hiệu cảnh báo trầm cảm ở nhóm bệnh nhân này thường bao gồm sự im lặng bất thường, chán ăn, mệt mỏi kéo dài, suy giảm trí nhớ, và chậm chạp trong vận động. Một số người cảm thấy bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cuộc sống, tự nhận thức mình là gánh nặng cho gia đình.
Các chuyên gia cho biết để điều trị hiệu quả HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện, không chỉ dừng lại ở thuốc, mà còn tích hợp đánh giá và hỗ trợ sức khỏe tâm thần như một phần không thể thiếu trong phác đồ.
Song song, cần đẩy mạnh truyền thông xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các bệnh lây qua đường tình dục như một vấn đề y học, không phải đạo đức. Việc giảm kỳ thị và tăng hiểu biết sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc tầm soát, tiếp cận dịch vụ y tế và duy trì điều trị lâu dài.
"Cơ thể và tinh thần cần được chữa lành cùng lúc - đó là con đường bền vững nhất để bảo vệ chính người bệnh và cộng đồng", bác sĩ Dũng nói.
Thúy Quỳnh