Chỉ cách đây không lâu, việc Messi hay Ronaldo cùng đội của họ bị loại ở một giải đấu vẫn còn được xem là kết quả bất ngờ. Hoặc ít nhất, điều đó cũng khiến người hâm mộ phải rướn mày quan tâm.
Nhưng tuần này, Messi và Ronaldo - hai ngôi sao sáng nhất trong thế hệ của họ, những người thống trị cuộc chơi trên sân bóng hơn hai thập kỷ qua - đều đã dừng bước ở giải đấu cấp châu lục dành cho các CLB. Liệu kết quả này có còn gây chấn động? Khi mọi thứ thậm chí diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ?
Điều đó đã thực sự xảy ra hồi giữa tuần. Inter Miami của Messi gục ngã trước Vancouver Whitecaps với tổng tỷ số 1-5 tại CONCACAF Champions Cup, còn Al-Nassr của Ronaldo thua Kawasaki Frontale 2-3 ở AFC Champions League Elite trên một sân vận động trung lập ở Arab Saudi.
Đó đều là những giải đấu châu lục mà Inter Miami và Al-Nassr đều đặt quyết tâm cực lớn ở mùa này sau khi trải qua nhiều thất bại cay đắng những năm gần đây. Cả hai đội đã khởi đầu rất tốt, nhưng rồi vẫn chịu khuất phục tại vòng bán kết. Sự tập trung dành cho Messi cùng Ronaldo sau những thất bại này cũng dễ hiểu vì tầm vóc của họ, song lại không công bằng với đội thắng cuộc.
Vancouver Whitecaps xứng đáng được ngợi khen nhiều hơn. CLB từ Canada đang là đội mạnh nhất tại MLS mùa này khi vươn lên dẫn đầu bảng thứ bậc miền Tây, và giờ lọt vào chung kết giải đấu danh giá nhất cấp CLB ở khu vực Bắc Trung Mỹ.
Đó là chiến tích đáng tự hào trong bối cảnh tân HLV Jesper Sorensen không thể sử dụng nhiều trụ cột của đội vài mùa giải gần đây do bị chấn thương hoặc các vấn đề sức khỏe khác hành hạ. Ryan Gauld, nhân tố chủ chốt của Whitecaps, phải theo dõi hành trình của đội nhà từ trên khán đài do vẫn đang dưỡng thương đầu gối. Vượt qua mọi khó khăn nhờ tài "liệu cơm gắp mắm" của ông Sorensen, Vancouver đã làm được điều mà ít người mong đợi khi đánh bại Inter Miami được đánh giá cao hơn.
"Bị đánh giá thấp làm mọi thứ dễ dàng hơn, đỡ áp lực hơn", Sorensen trả lời phỏng vấn sau khi hạ Inter Miami ngày 1/5. "Khi đó, bạn có thể thi đấu thoải mái và linh hoạt hơn".
Tương tự, Kawasaki Frontale bị xếp chiếu dưới ở cặp đấu với Al-Nassr - đội không chỉ sở hữu Ronaldo, mà còn có Sadio Mane, Jhon Duran, Marcelo Brozovic cùng nhiều cái tên danh tiếng khác đến từ châu Âu. Bất lợi hơn, đội bóng Nhật Bản còn phải di chuyển tới địa điểm "trung lập" - Jeddah - thi đấu, nơi chẳng khác gì sân nhà của Al-Nassr.
Nhưng cũng giống Vancouver, Kawasaki Frontate – dưới thời HLV mới Shigetoshi Hasebe, thay thế triều đại dài 7 năm với nhiều thành công của Toru Oniki – đã chơi bóng tự tin, khai thác triệt để sai lầm đối phương để ghi bàn. Tatsuya Ito là người mở tỷ số bằng cú vô-lê tuyệt đẹp.
"Trận này có vài ngôi sao lớn, họ đứng ngay cạnh tôi khi hai đội chuẩn bị ra sân", Ito phát biểu sau trận. "Cảm giác như đang trong trò chơi điện tử vậy".
Trong phiên bản trò chơi điện tử mới nhất, Ronaldo hay Messi dường như dễ mắc sai lầm và có vẻ bất lực. Cả hai vẫn giữ thái độ chuyên nghiệp trong tập luyện lẫn sinh hoạt, nhằm duy trì sự cạnh tranh đã đưa họ lên đến đỉnh cao của trò chơi. Không ai dùng những năm tháng cuối sự nghiệp như một kỳ nghỉ kéo dài cả.
Dù vậy, điều đó chẳng thể che mờ thực tiễn: Ronaldo đã 40 tuổi, và Messi chuẩn bị tròn 38 tuổi. Tác động của tuổi tác ngày càng thể hiện rõ nét hơn, không hẳn qua bước chạy, quãng đường di chuyển hay tốc độ, mà là ở những thời khắc then chốt, mang tính quyết định cả trận đấu.
Ronaldo và Messi từng biết cách, hoặc được bản năng chỉ lối, tìm thấy chìa khóa mở toang cánh cửa dẫn đến một cơ hội, một bàn thắng, một chiến thắng. Đó có thể là thời điểm nhạy cảm nhất, quan trọng nhất, hoặc chỉ đơn giản diễn ra vào lúc thế trận đã an bài. Nhưng họ - bằng tài năng trời phú được rèn giũa qua năm tháng - luôn cảm nhận được ranh giới, dù vô cùng mong manh, để tạo ra sự khác biệt.
Ranh giới thiên tài đó ngày càng mờ nhòe bên trong Ronaldo lẫn Messi. Đối đầu Kawasaki, CR7 có cơ hội đánh đầu ghi bàn rõ ràng, nhưng bóng chạm xà ngang. Anh cũng bỏ lỡ cơ hội mười mươi ở cuối trận, sút chân trái trượt bóng, trước cầu môn gần như trống. Với Messi, anh vẫn có một số khoảnh khắc lóe sáng với những pha đi bóng trứ danh để vượt qua hàng thủ dày đặc của Vancouver, song những nỗ lực đó chỉ giúp tiền đạo Argentina đưa bóng đi chệch khung thành vài centimet.
Tất nhiên, những pha bỏ lỡ hay thất bại này chẳng làm tổn hại đến di sản của cả hai, song thật khó để không nhắc đến, nhất là khi cùng ngày, Lamine Yamal trình diễn thứ bóng đá siêu việt tại Champions League. Màn thể hiện thiên tài của Yamal, 17 tuổi, như một lời nhắc với Ronaldo và Messi, rằng thời gian vẫn trôi qua không ngừng, không thể thay đổi, và bóng đá cũng biến chuyển ở khắp nơi.
Kể cả khi đạt đỉnh phong độ, là phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân, Messi hay Ronaldo cũng không thể một mình vô địch. Họ muốn những người đồng đội tốt trên hàng công và cần hơn điều đó ở hàng thủ, thứ vốn là vấn đề của cả Inter Miami và Al-Nassr. Tại Fort Lauderdal, Messi không có một Carles Puyol làm điểm tựa, trong khi Ronaldo chắc hẳn rất nhớ Sergio Ramos lúc thi đấu tại Jeddah. Giữa Chase Stadium và Camp Nou là quãng đường xa vô cùng, cũng như từ Jeddah đến Madrid hay Manchester.
Dù sao, vẫn có một thứ không đổi là sức hút của Ronaldo và Messi. Từ đám đông lấp đầy sân King Abdullah Sports City ở Jeddah cho đến những đứa trẻ đi cùng gia đình đến sân vận động tại Miami, tất cả đều hô vang tên Ronaldo cũng như Messi ngay khi cả hai mới chỉ khởi động.
"Một số cầu thủ trên sân, khi còn nhỏ, có ảnh Messi dán trong phòng", HLV Sorensen nói. "Đối đầu những cầu thủ như vậy, bạn không ngăn cản được họ đâu. Bạn chỉ có thể hạn chế họ và cố gắng chơi bóng theo cách của mình".
Sự cố gắng đó đã thành công, và giờ hai huyền thoại của làng túc cầu có vẻ như đã dần thấy những giới hạn mà trước đây ít ai mường tượng.
Vy Anh