Trả lời:
Phế cầu khuẩn là căn nguyên của nhiều bệnh lý như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết... Bạn đang mắc viêm phổi kẽ, nên tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn càng sớm càng tốt.
Lý do, người mắc viêm phổi kẽ đã bị tổn thương các tổ chức kẽ của phổi như vách phế nang, liên phế nang, mạch máu, dễ tiến triển xơ phổi. Bệnh làm tổn thương mô phổi, tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng nề hơn hoặc vào máu gây nhiễm trùng máu. Ngoài ra, hệ miễn dịch bị suy giảm cũng làm yếu đi khả năng thải loại vi khuẩn phế cầu ra khỏi cơ thể, tăng nguy cơ phải nhập viện do các biến chứng.
Vaccine được chứng minh giúp phòng ngừa các type huyết thanh phổ biến của phế cầu khuẩn, đặc biệt bệnh lý phế cầu xâm lấn như viêm màng não, viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết... Bạn bị viêm phổi, vẫn nên tiêm vaccine phế cầu để phòng các type huyết thanh gây viêm phổi và các bệnh còn lại.
Vaccine còn giúp giảm tỷ lệ người lành mang trùng và giảm khả năng lây từ người lành sang người có sức đề kháng kém. Các mũi tiêm cũng giúp ngăn ngừa đồng nhiễm, bội nhiễm, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng các bệnh do 24 chủng phế cầu gây ra, chủng ngừa cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn, gồm: phế cầu 10 (Synflorix), phế cầu 13 (Prevenar 13) và phế cầu 23 (Pneumovax 23). Trong đó, loại phế cầu 10 tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến dưới 6 tuổi, phế cầu 13 tiêm cho trẻ từ 6 tuần và người lớn, phế cầu 23 tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn. Bạn nên hoàn thành lịch tiêm ngừa phế cầu 13 trước khi tiêm phế cầu 23.
Vaccine chống chỉ định tiêm cho người quá mẫn cảm với các thành phần có trong vaccine, bệnh nhân giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu. Bạn có thể trao đổi kỹ hơn với bác sĩ về tình trạng bệnh trước khi tiêm phòng để đánh giá và tư vấn thời điểm tiêm phù hợp.
Bạn cũng cần lưu ý không hút thuốc, uống rượu, bia để tránh tình trạng viêm phổi trầm trọng hơn. Bạn nên nâng cao thể trạng bằng cách duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý, thường xuyên tập thể dục, thể thao, ăn uống đủ chất và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để sớm cải thiện tình trạng bệnh.
Ngoài vaccine phế cầu, người mắc viêm phổi nên tiêm ngừa cúm, não mô cầu, sởi... để phòng các bệnh lây qua đường hô hấp, ảnh hưởng đến phổi.
Bác sĩ Bùi Công Sự
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.