Trình bày tờ trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đề xuất này được xây dựng trên cơ sở chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động để tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh, xã).
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Điều 110 của Hiến pháp, quy định có tính nguyên tắc về hệ thống đơn vị hành chính. Việt Nam sẽ có các đơn vị hành chính gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Việc xác định cụ thể các loại đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh cũng như trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới các đơn vị này sẽ do Quốc hội quy định bằng luật.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cấp huyện bao gồm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Cả nước hiện có 696 đơn vị hành chính cấp huyện. Khi bỏ cấp hành chính này, toàn bộ cơ cấu tổ chức và biên chế cấp huyện sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển giao nhiệm vụ về cấp xã và cấp tỉnh.
Theo phương án Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính đề xuất, 100% biên chế hiện có tại cấp huyện sẽ được chuyển về cấp xã. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực và năng lực thực thi công vụ, các địa phương có thể xem xét việc điều động, tăng cường cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh về hỗ trợ cho cấp xã.
Trước mắt, Ban Chỉ đạo yêu cầu giữ nguyên tổng số biên chế hiện có ở cả hai cấp huyện và xã, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời hạn 5 năm. Dự kiến biên chế bình quân của mỗi đơn vị hành chính cấp xã khoảng 32 người (không bao gồm biên chế thuộc khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể).
Trước đó, Trung ương đồng ý tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và tổ chức lại hệ thống này gồm ba cấp: TAND và VKSND tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Kết thúc hoạt động của TAND, VKSND cấp cao và cấp huyện. Các tổ chức đảng ở địa phương được tổ chức tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, xã. Đảng bộ cấp huyện kết thúc hoạt động.
Trong dự thảo, vai trò và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được khẳng định và nâng cao về mặt pháp lý.
Dự thảo nhấn mạnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; được trao quyền trình dự án luật và dự án pháp lệnh - một bước tiến quan trọng trong thể chế hóa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Công đoàn đồng thời là đại diện chính thức của người lao động ở cấp quốc gia trong các quan hệ lao động cũng như trong quan hệ công đoàn quốc tế.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề xuất Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Để bảo đảm tính liên tục và ổn định trong tổ chức bộ máy nhà nước, dự thảo có điều khoản chuyển tiếp quy định việc chỉ định các chức danh của HĐND, UBND và trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trong năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện.
Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ có hai buổi thảo luận hội trường vào các ngày 14/5 và 16/6, trước khi được biểu quyết thông qua vào ngày 24/6.
Sơn Hà