Đây là một trong các nội dung vừa được cơ quan soạn thảo- VKSND Tối cao đề xuất bổ sung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo quy định hiện hành về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, nếu tử tù có đơn xin ân giảm thì bản án tử hình sẽ được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm (điểm e, khoản 1, Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự).
Tuy nhiên, luật không quy định về thời hạn xử lý đơn một cách rõ ràng. Thực tiễn này cũng được cơ quan soạn thảo nhìn nhận, cho rằng thời gian qua việc quyết định thi hành án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Trong đó, có nguyên nhân do Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa có quy định về thời hạn xem xét đơn xin ân giảm án tử hình", theo tờ trình Dự thảo.
Trên cơ sở này, VKSND Tối cao đã kiến nghị sửa đổi Điều 367 theo hướng: bổ sung thời hạn Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm đối với người bị kết án là một năm nhằm "bảo đảm giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn phát sinh liên quan đến thi hành án tử hình".
Theo đó, nếu người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước thì Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao báo cáo Chủ tịch nước xét. Trong thời hạn một năm kể từ ngày nhận được báo cáo, Chủ tịch nước sẽ xem xét.
Nếu Chủ tịch nước quyết định ân giảm, Chánh án TAND cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.
Nếu hết thời hạn trên, Chủ tịch nước không ân giảm thì Chánh án TAND cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định.
>>Xem đầy đủ điều luật được kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa tại đây
Tại Dự thảo, lần đầu tiên khái niệm "hoãn thi hành án tử hình" được đề xuất. Cụ thể, tại khoản 2 tại Điều 367, cơ quan soạn thảo kiến nghị, khi có căn cứ theo quy định của pháp luật thì tòa án có thẩm quyền quyết định việc hoãn thi hành án trong thời hạn 2 năm kể từ ngày tuyên án (để khắc phục hậu quả).
Điều này sẽ được tòa án xác định luôn tại thời điểm tuyên bản án tử hình. Trong 2 năm này, nếu bị án khắc phục được hậu quả sẽ được chuyển hình phạt thành tù chung thân.
Cho ý kiến với nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp hôm 28/4 cơ bản tán thành, đề nghị VKSND Tối cao tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành.
Ủy ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bám sát việc xây dựng dự án Bộ luật Hình sự cũng đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình), nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hướng xử lý các vụ án dang dở sau tinh gọn bộ máy
Nhằm tiếp tục tinh gọn bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng, VKSND Tối cao cho hay dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 105 điều luật liên quan đến sắp xếp, điều chỉnh tên gọi, tinh gọn tổ chức cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư), VKSND và TAND.
Nếu được thông qua, dự thảo sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7.
Kể từ mốc thời gian này, VKSND Tối cao kiến nghị các phương án giải quyết các vụ án chưa kết thúc như sau:
1. Những vụ việc, vụ án do VKSND cấp huyện, TAND cấp huyện đã thụ lý, giải quyết nhưng đến 1/7/2025 chưa kết thúc thì chuyển cho VKSND khu vực, TAND khu vực tương ứng tiếp tục giải quyết.
2. Những vụ án do VKSND cấp cao, TAND Cấp cao đã thụ lý, giải quyết nhưng đến 1/7/2025 chưa kết thúc thì chuyển cho VKSND Tối cao, TAND Tối cao tiếp tục giải quyết.
3. Những vụ việc, vụ án do VKSND cấp tỉnh, TAND cấp tỉnh đã thụ lý, giải quyết mà chưa kết thúc nhưng sau 1/7/2025 sẽ thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết của VKSND khu vực, TAND khu vực thì VKSND cấp tỉnh, TAND cấp tỉnh tiếp tục giải quyết cho đến khi kết thúc vụ án.
4. Những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án đã được xét xử trước 1/7/2025 nhưng sau 1/7/2025 bị hủy để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì xử lý như sau:
a) Vụ án do TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm thì TAND khu vực nơi TAND cấp huyện đó được sáp nhập xét xử sơ thẩm lại vụ án;
b) Vụ án do TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm thì TAND cấp tỉnh đó hoặc TAND cấp tỉnh mới nơi TAND cấp tỉnh đó được sáp nhập xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại vụ án;
c) Vụ án do TAND cấp cao xét xử phúc thẩm thì Tòa phúc thẩm TAND tối cao xét xử phúc thẩm lại vụ án.
Về kinh phí để triển khai thi hành Luật gồm kinh phí tuyên truyền, phổ biến Luật và để sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Kinh phí sẽ được lấy từ ngân sách Nhà nước, "thực tế là không lớn, khả thi, đúng luật" và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Nhân lực để thực hiện luật là đội ngũ nhân lực hiện đang được giao thực hiện nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, không làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong kỳ họp tháng 5.
Hải Thư