Trả lời:
Đau trong ung thư là những cơn đau xảy ra trong thời gian ngắn (đau cấp tính) hoặc kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định (đau mãn tính) do sự chèn ép hay di căn của một khối u sang các bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, các phương pháp điều trị (xạ trị, hóa trị, phẫu thuật) và quá trình chẩn đoán, thay đổi trong cơ thể do mất cân bằng nội tiết tố và đáp ứng miễn dịch cũng là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau đớn.
Thực tế, hiếm khi nào bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm và rất sớm (giai đoạn 0-1) có triệu chứng đau, nếu có thường là đau do mượn triệu chứng của đau lành tính từ các cơ quan khác. Một số trường hợp ung thư giai đoạn sớm có thể đau khi u ở vị trí đặc biệt, sát các màng, khoang, dây thần kinh hoặc đau do các bệnh lý đi kèm mà bệnh nhân đi khám tình cờ phát hiện ra.
Đơn cử, bệnh nhân cảm thấy đau dạ dày do viêm loét là bệnh lành tính, khi đi nội soi tiêu hóa lại phát hiện ra ung thư sớm của thực quản hoặc đại trực tràng mặc dù những ung thư sớm này chưa gây ra bất kỳ triệu chứng gì tại thực quản hay đại tràng.
Thường khi ung thư phát triển ở giai đoạn 3-4, bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng đau. Đây cũng là triệu chứng chính khiến bệnh nhân buộc phải đi khám và cũng giải thích được tại sao trên 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn này.
Thống kê tại các bệnh viện lớn trong cả nước cho thấy 70-80% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn 3-4. Nổi trội là ung thư gan với 87% bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn.
Nhìn chung, khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, không phải lúc nào cũng đi kèm với tiên lượng đau đớn bởi nó còn phụ thuộc vào loại và giai đoạn. Bạn nên đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường và khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm nguy cơ.
Bác sĩ Trần Đức Cảnh
Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương