Bài học cho năng lượng xanh Việt Nam từ sự cố mất điện tại Tây Ban Nha

Lộ trình chuyển dịch năng lượng xanh của Việt Nam cần rút bài học từ sự cố mất điện quy mô lớn tại quốc gia có tỷ trọng năng lượng tái tạo rất cao mới đây, theo chuyên gia.


Nội dung trên được ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, nêu tại tọa đàm "Bảo đảm điện cho tăng trưởng - yêu cầu và giải pháp" ngày 7/5.


Sự cố mất điện ngày 28/4 ông Sơn đề cập chủ yếu tại Tây Ban Nha, một phần Bồ Đào Nha, được coi là một trong những sự cố điện nghiêm trọng nhất tại châu Âu gần đây. Hệ thống điện với tổng công suất lên tới 15.000 MW bị sụp đổ chỉ trong 5 giây, khiến hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt bị gián đoạn, dịch vụ điện thoại "đóng băng", còn hệ thống đèn giao thông và máy rút tiền ATM đều ngừng hoạt động.


Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai quốc gia có tỷ trọng năng lượng tái tạo rất cao. Nguyên nhân chưa được xác định chính thức, nhưng giới chuyên gia chỉ ra hai vấn đề nghiêm trọng.


Đầu tiên là chất lượng thiết bị kết nối lưới điện không đảm bảo. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nghiên cứu sâu về tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện liên lưới châu Âu dẫn đến mất khả năng điều tiết khi có sự cố.


Với tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, khi hệ thống điều phối, lưới điện truyền tải và các dịch vụ phụ trợ không đồng bộ, vẫn có thể xảy ra sự cố nghiêm trọng, theo ông Sơn.


Từ sự cố trên, chuyên gia năng lượng này khuyến nghị công cuộc chuyển dịch xanh của Việt Nam cần một lộ trình vững chắc, thận trọng và có đánh giá khoa học đầy đủ. "Không nên chạy theo mục tiêu một cách nóng vội", ông nói.


Ông thêm rằng Bộ Công Thương đã có nhiều nghiên cứu nền tảng và nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. Đây là điều kiện tốt để hoạch định chính sách năng lượng một cách bền vững.


Nói về thách thức của ngành điện Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, cho biết ngành này vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng, tức đủ điện cho nền kinh tế, vừa phải đảm bảo chất lượng nguồn điện nhằm góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050 (Net Zero).


Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu Net Zero, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nâng mạnh công suất năng lượng tái tạo, hướng tới tỷ trọng mục tiêu 28-36% vào năm 2030 (không gồm thủy điện). Trong đó, điện gió trên bờ, gần bờ dự kiến đạt 26.000-38.000 MW, điện mặt trời tăng hơn gấp đôi so với quy hoạch trước đó, lên 46.400-73.400 MW.


Ông Hiếu nhìn nhận một chính sách năng lượng cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng trong cơ chế giá điện, là tính minh bạch, ổn định và hợp lý. Bởi điện là đầu vào thiết yếu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu xây dựng một thị trường điện quá hấp dẫn, lợi nhuận cao, biến điện thành một kênh đầu tư hút vốn đơn thuần, tình trạng này có thể đẩy chi phí sản xuất lên cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.


Bài toán khó nhất hiện nay là cân bằng được lợi ích của các bên, khi người phát điện muốn giá bán tối thiểu đủ bù chi, người mua thì luôn lo lắng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Chúng ta phải giải bài toán này trước khi hướng đến một thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo như Luật Điện lực đã đề ra", ông Hiếu nói.


Thủy Trương









Bai hoc cho nang luong xanh Viet Nam tu su co mat dien tai Tay Ban Nha


Lo trinh chuyen dich nang luong xanh cua Viet Nam can rut bai hoc tu su co mat dien quy mo lon tai quoc gia co ty trong nang luong tai tao rat cao moi day, theo chuyen gia.

Bài học cho năng lượng xanh Việt Nam từ sự cố mất điện tại Tây Ban Nha

Lộ trình chuyển dịch năng lượng xanh của Việt Nam cần rút bài học từ sự cố mất điện quy mô lớn tại quốc gia có tỷ trọng năng lượng tái tạo rất cao mới đây, theo chuyên gia.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá