Chị Muội, 41 tuổi, năm ngoái phát hiện u ở ngực phải, không đi khám. Nay u tăng kích thước, đau, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM siêu âm, chụp nhũ ảnh cho thấy u kích thước 5 cm có mạch máu nuôi. Kết quả sinh thiết là ung thư vú giai đoạn 3, thể nội tiết.
Chị là người thứ 4 trong gia đình bị ung thư vú. Dì ruột được chẩn đoán năm 2010, em họ năm 2018 và năm 2019 chị ruột của chị Muội phát hiện ung thư vú khi 45 tuổi. Mọi người đã được điều trị và tiếp tục tái khám định kỳ, xét nghiệm chưa phát hiện đột biến gene gây ung thư vú.
Chị được hóa trị 6 toa thuốc để giảm kích thước khối u, sau đó phẫu thuật "5 trong 1" để cắt tuyến vú ung thư, đoạn nhũ phòng ngừa, nạo hạch nách, nội soi cắt buồng trứng, tái tạo hai bên ngực. Cuộc mổ giúp người bệnh tránh phẫu thuật nhiều lần, tăng hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ bệnh tái phát ở mức thấp nhất. Hậu phẫu, người bệnh cần xạ trị để tránh nguy cơ tái phát.
ThS.BS.CKI Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, cho biết có nhiều yếu tố nguy cơ cao gây ung thư vú như có đột biến gene di truyền, yếu tố gia đình (gia đình cùng có nhiều người mắc ung thư vú nhưng chưa tìm thấy đột biến gene)... Trong đó, yếu tố gia đình có nhiều người bị ung thư vú ảnh hưởng đến khoảng 5% người bệnh. Người có mẹ, chị gái hoặc con gái (người thân cấp một) bị ung thư vú khi còn trẻ (dưới 50 tuổi) có nguy cơ u vú ác tính cao gấp đôi người bình thường. Phụ nữ có người thân cấp hai (ông, bà, cô, chú, dì, cháu gái, cháu trai) bị ung thư vú có nguy cơ trung bình.
Người bệnh có nguy cơ tái phát, di căn cao hơn. Có thể kiểm soát các nguy cơ này bằng nhiều phương pháp phối hợp như hóa trị, xạ trị, đoạn nhũ phòng ngừa, cắt buồng trứng hoặc uống thuốc nội tiết ngăn cơ thể sản xuất hormone (đối với ung thư vú thể nội tiết)...
Bác sĩ Tấn khuyên phụ nữ từ 40 tuổi nên khám tầm soát ung thư vú hàng năm. Nhóm có nguy cơ ung thư vú cao (tiền sử gia đình, đột biến gene BRCA...) cần khám trước 40 tuổi. Nếu trong gia đình có mẹ bị ung thư vú, con gái nên tầm soát ung thư sớm trước 10 tuổi so với độ tuổi mẹ phát hiện ung thư.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |