Phát hiện ung thư từ dấu hiệu chảy máu cam

TP HCM - Bé trai 4 tuổi bị chảy máu cam thường xuyên, bác sĩ chẩn đoán ung thư máu.


Ban đầu bé không có biểu hiện bất thường, đi khám tại một bệnh viện được chẩn đoán viêm mũi, uống thuốc theo toa của bác sĩ. Hai tuần sau bệnh tái phát kèm mệt mỏi, nhợt nhạt, khó thở, đau ngực, bé được đưa vào Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7.


BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Trưởng đơn vị Nhi, ghi nhận bệnh nhi có biểu hiện thiếu máu. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu đến 480.000 tế bào/µl (bình thường dao động 5.500-15.500 tế bào/µl), bác sĩ chẩn đoán bé bị mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. Đây là bệnh lý ác tính, cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện chuyên khoa về huyết học để tiếp tục điều trị chuyên sâu.


Bệnh bạch cầu cấp (còn gọi là bệnh máu trắng) là loại ung thư thường gặp ở trẻ em. Trong đó, phổ biến là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL), còn lại hầu hết là bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML). Hiện, chưa có số liệu cụ thể về số ca mắc và tử vong do bệnh bạch cầu cấp ở trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh bạch cầu cấp là một trong những loại ung thư phổ biến ở trẻ, theo bác sĩ Lê.


Bạch cầu cấp dòng lympho là bệnh lý ác tính xảy ra sau nhiều đột biến của một tế bào đầu dòng lympho ở giai đoạn phát triển nhất định. Trường hợp bé Tài, bệnh diễn tiến nặng với số lượng bạch cầu tăng cao. Các tế bào ung thư xâm nhập ra bên ngoài và biểu hiện cấp tính với triệu chứng thiếu máu và xuất huyết. Một số trường hợp có biểu hiện nhiễm trùng, xuất huyết do giảm tiểu cầu với vết bầm tím ở da, niêm mạc, đôi khi đi kèm xuất huyết não.


Bệnh có thể diễn tiến kéo dài với triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, chán ăn, sốt không do nhiễm trùng, sụt cân, da xanh, đau khớp, đau đầu, chóng mặt, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiểu máu, đi ngoài phân đen... nên khó phát hiện. Để chẩn đoán bệnh, người bệnh cần được xét nghiệm máu, xét nghiệm tủy xương (chọc hút hoặc sinh thiết), chụp X-quang, siêu âm và sinh thiết hạch.


Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính gây ra bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh ra với tình trạng rối loạn di truyền hoặc hệ thống miễn dịch như hội chứng Down, Bloom, chứng thất điều giãn mạch có nguy cơ mắc bệnh cao.


Tùy vào thể trạng bệnh, trẻ sẽ được điều trị bằng cách truyền máu, sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Sau đó, phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu và các yếu tố khác, trẻ có thể được điều trị hóa trị liệu (dùng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư), chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Song song đó, bác sĩ có thể kê thêm thuốc điều trị dự phòng. Nếu các tế bào bệnh đã thâm nhập vào thần kinh trung ương, bệnh nhi được tiêm tủy sống hàng tuần cho đến khi hết bạch cầu non trong dịch não tủy, kết hợp tia xạ sọ não trước khi điều trị giai đoạn duy trì.


Một số bệnh nhi bị bạch cầu cấp dòng tủy sẽ được điều trị hóa trị liệu liều cao kèm phương pháp hỗ trợ như truyền máu, điều trị nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tâm lý...


Hiện chưa có phương pháp phòng ngừa bệnh bạch cầu cấp dòng lympho do nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể cải thiện kết quả điều trị. Khi trẻ có biểu hiện như chảy máu, sụt cân, mệt mỏi, đau khớp, có vết bầm bất thường..., phụ huynh nên đưa trẻ đi khám.


Đình Lâm


*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi


Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp







Phat hien ung thu tu dau hieu chay mau cam


TP HCM - Be trai 4 tuoi bi chay mau cam thuong xuyen, bac si chan doan ung thu mau.

Phát hiện ung thư từ dấu hiệu chảy máu cam

TP HCM - Bé trai 4 tuổi bị chảy máu cam thường xuyên, bác sĩ chẩn đoán ung thư máu.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá