Bệnh tiêu hóa là các tổn thương liên quan đến hệ thống tiêu hóa, làm gián đoạn quá trình tiêu hóa thức ăn. Các bệnh này có thể xảy ra cấp tính (trong thời gian ngắn) hoặc mạn tính (kéo dài hơn 6 tháng). Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Oanh, khoa Nội Tiêu hóa - Gan, Mật, Tụy, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, lưu ý một số dấu hiệu đặc trưng để người bệnh dễ nhận biết.
Viêm dạ dày - ruột
Triệu chứng thường gặp của viêm dạ dày - ruột là tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, sốt, mệt mỏi... Bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất. Các chủng virus gây bệnh phổ biến gồm norovirus, rotavirus, adenovirus, astrovirus, salmonella... Bệnh thường tự khỏi trong khoảng một tuần nhưng cần lưu ý điều trị sớm nếu xảy ra tình trạng mất nước nghiêm trọng.
Bệnh lý ruột viêm mạn
Viêm ruột mạn tính gồm bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng chảy máu. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng, có thể do di truyền hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch làm mất cân bằng giữa các cytokine, dẫn đến viêm.
Bệnh Crohn có thể làm tổn thương bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, còn viêm loét đại tràng chủ yếu ảnh hưởng đến đại tràng và trực tràng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau bụng, tiêu chảy mạn tính, đi đại tiện ra máu, phân lẫn chất nhầy, mệt mỏi, sụt cân bất thường.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Đây là tình trạng dịch vị trong dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây ra các triệu chứng đau ngực, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nóng rát trước xương ức, nuốt nghẹn, ho khan, đau họng... Bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng đáng lo ngại như viêm thực quản, hẹp thực quản, Barrett thực quản.
Gan nhiễm mỡ
Theo bác sĩ Oanh, gan nhiễm mỡ ngày không do rượu bia (NAFLD) có xu hướng gia tăng gần đây. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ như béo phì, tiểu đường type 2, rối loạn lipid máu. Gan nhiễm ở mức độ nhẹ thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ như mệt mỏi, uể oải, buồn nôn, vàng da.
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón. Bệnh lý có thể không đi kèm bất kỳ dấu hiệu tổn thương thực thể nào ở đường tiêu hóa. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, hội chứng ruột kích thích cần được kiểm soát sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Viêm đại tràng
Bệnh này xảy ra do nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh Crohn, viêm đại tràng giả mạc, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ... Người bệnh có thể gặp các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, phân sẫm màu hoặc có lẫn máu trong phân, đi đại tiện liên tục, mất nước, tiêu chảy, sốt.
Bệnh túi thừa đại tràng
Túi thừa là các túi nhỏ hình thành dọc theo đại tràng, thường không gây ra triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, túi thừa có thể bị viêm, nhiễm trùng hoặc chảy máu (máu lẫn trong phân) khiến người bệnh đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, tiêu chảy, sốt, ớn lạnh, tiêu ra máu.
Viêm loét dạ dày - tá tràng
Tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị loét, có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa, gây đau bụng hoặc khó chịu ở vùng bụng trên, ăn nhanh no, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, ợ hơi. Nguyên nhân phổ biến nhất là nhiễm vi khuẩn HP hoặc sử dụng liều cao thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Bệnh trĩ
Tùy theo vị trí của búi trĩ, trĩ được chia thành trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Tùy mức độ, bệnh có thể gây ra các triệu chứng khác nhau như sưng, viêm, ngứa, chảy máu khi đi tiêu, đau rát, sa búi trĩ ra ngoài.... Bệnh trĩ cũng có thể gây xuất huyết nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng nếu không được can thiệp kịp thời.
Sỏi túi mật
Sỏi túi mật đa số không gây triệu chứng, thường được phát hiện khi đi khám tổng quát. Một số trường hợp sỏi túi mật gây ra cơn đau quặn mật, viêm túi mật cấp. Bệnh nhân có các triệu chứng như đau vùng bụng trên bên phải hoặc giữa bụng, sốt, buồn nôn, nôn, vàng da, vàng mắt....
Bác sĩ Oanh cho biết bệnh lý tiêu hóa phức tạp với tính chất và mức độ khác nhau, phát hiện bệnh sớm giúp điều trị hiệu quả. Mỗi người nên duy trì khám sức khỏe định kỳ, sống lành mạnh, ăn uống cân bằng dinh dưỡng. Hãy đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa.
Thảo Nhi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |