Vụ kiện chính phủ Ấn Độ của LG và Samsung - hai tập đoàn điện tử lớn từ Hàn Quốc - dự kiến được xét xử ngày 22/4, nhắm tới chính sách định giá tái chế trong quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) của nước này.
Trước đó, một số doanh nghiệp điện tử khác như Daikin (Nhật Bản), Havells, Blue Star và Voltas của Tata Group (Ấn Độ) cũng đệ đơn kiện chính phủ quốc gia Nam Á do liên quan đến chính sách này.
Theo quy định từ EPR, doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm do họ làm ra khi hết vòng đời sử dụng. Chính sách EPR áp dụng tại Ấn Độ từ năm 2022, mức giá trước đó do doanh nghiệp sản xuất và nhà tái chế tự thỏa thuận.
Tuy nhiên, từ tháng 3/2024, cơ quan chức năng ấn định giá tái chế, buộc các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải trả tiền cho đơn vị tái chế ít nhất 22 rupee (26 cent) mỗi kg để tái sản xuất hàng điện tử tiêu dùng, 34 rupee (39 cent) cho điện thoại thông minh.
Trong hồ sơ kiện gần 900 trang, LG cho rằng chính sách áp giá này không khác việc chính quyền Ấn Độ đánh thuế họ dưới chiêu bài "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Samsung dự kiến chính sách mới sẽ ảnh hưởng đáng kể tới bức tranh tài chính của họ và nhận định "việc quản lý giá không phục vụ mục đích bảo vệ môi trường".
Diễn biến mới đánh dấu những bế tắc leo thang giữa doanh nghiệp điện tử và chính quyền Thủ tướng Narendra Modi về lập trường quản lý rác thải.
Ấn Độ thải lượng rác điện tử nhiều thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Theo Bộ Nhà ở và Đô thị Ấn Độ, rác thải điện tử tại nước này đạt 1,7 triệu tấn vào năm tài chính 2023-2024 (tính từ 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau), tăng 73% sau 5 năm.
Theo cơ quan chức năng, chỉ 43% rác này được tái chế vào năm ngoái, 80% số đó đến từ các cơ sở phế liệu không chính thức, gây ô nhiễm môi trường và tổn hại sức khỏe người dân. EPR là công cụ chính sách được kỳ vọng thúc đẩy tái chế loại rác này, bên cạnh các loại vật liệu khác như nhựa, pin. Được đưa ra từ năm 2022, danh mục điện, điện tử buộc phải tái chế lên tới 106 mặt hàng, tăng so với 22 sản phẩm tại Quy định quản lý rác điện tử 2016.
Cũng theo chính sách này, doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm thu gom và tái chế 60% lượng rác phát sinh từ sản phẩm của họ trong năm tài chính 2023-2024 và 2024-2025. Tỷ lệ này trong hai năm tiếp theo lần lượt là 70% và 80%.
Với việc bổ sung chính sách định giá tái chế vào năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi kỳ vọng sẽ giúp điều hướng dòng chảy tái chế vào khu vực chính thức, đồng thời khuyến khích đầu tư vào quản lý rác thải điện tử. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn làm việc trong khu vực chính thức.
Mustakeem Malik, một người buôn phế liệu 60 tuổi tại bang Gujarat, ngày ngày tháo dỡ tivi, điều hòa, sau đó thu lại nhựa, bảng mạch và đồng. Hoạt động bán các phế liệu trên giúp Malik kiếm được 50.000 rupee, tương đương khoảng 580 USD mỗi tháng, và ông không muốn tham gia vào các công ty thu gom chuyên nghiệp.
Trong khi đó, chính sách mới khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất điện tử phản đối, khi chi phí tái chế của họ bị tăng vọt. Bộ Môi trường Ấn Độ lập luận rằng chính sách ấn định giá là hợp lý, bởi họ muốn ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" về giá tái chế.
Thực tế, hầu hết các công ty sản xuất không công bố mức giá tái chế thỏa thuận. Johnson Controls-Hitachi, công ty hiếm hoi lên tiếng, nói mức giá sàn cao gấp 4 lần mức chi trả cũ. Trong một văn bản vận động hành lang của Samsung, ông lớn điện tử Hàn Quốc cho biết mức ấn định mới cao gấp 5-15 lần giá thỏa thuận trước đó.
Đại diện Attero, công ty tái chế lớn nhất Ấn Độ, thừa nhận việc có thêm chi phí sẽ giúp doanh nghiệp tăng đầu tư công nghệ. Mặc dù vậy, bên cạnh điểm yếu về công nghệ tái chế, các doanh nghiệp Ấn Độ còn gặp nhiều thách thức trong khâu thu gom. Một trong nhiều lý do là nước này thiếu các nhà máy khổng lồ cho ra lượng chất thải sản xuất tập trung lớn như Trung Quốc hoặc các nước châu Âu.
Hiện 85% rác điện tử Ấn Độ phát sinh từ hộ gia đình và công ty được thu gom, xử lý bởi lực lượng phi chính thức, khiến hơn 300 doanh nghiệp tái chế khó cạnh tranh. Họ khuyến nghị nâng cao vai trò của người tiêu dùng trong hoạt động gom rác sau tiêu dùng, ví dụ áp phí bao bì và hoàn tiền cho người mua. Bên cạnh đó, các biện pháp như giảm sử dụng (reduce), tái sử dụng (reuse) và sửa chữa, bán lại (repair) cần được khuyến khích nhiều hơn trước khi tái chế.
Ravi Kumar Neeladri, CEO công ty cung cấp giải pháp quản lý rác Pegasus, nhấn mạnh rằng rác điện tử không nhất thiết phải tái chế ngay sau khi thải bỏ. Ông gợi ý chúng nên được sàng lọc để sửa chữa và bán lại trên thị trường thứ cấp, bởi việc kéo dài vòng đời sử dụng của rác điện tử sẽ giúp giảm tác động đáng kể tới môi trường.
Bảo Bảo (theo Reuters)