Tác phẩm ra mắt độc giả Việt hồi tháng 3, gồm 7 phần - được đặt tên theo các địa danh từng gắn bó với cuộc đời triết gia: Công viên Brockwood, Rome, Malibu, Ojai, Gstaad. Khác hầu hết cuốn sách tổng hợp ghi chép từ các bài diễn thuyết của J. Krishnamurti, Vẻ đẹp của cuộc sống là tuyển tập những đoạn trích từ nhật ký ông viết giai đoạn 1973-1981.
Tác phẩm mô tả cảnh sắc thiên nhiên kết hợp với suy ngẫm về những vấn đề nhân sinh trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông như: bản chất ý thức, thiền định, trí tuệ, tự do, giáo dục.
Cuốn sách nhắc nhở mỗi người lắng nghe chính mình. Dù là nhật ký riêng tư, chủ thể của những câu chuyện lại là "y", một người bên ngoài. Điều đó vừa thể hiện dấu ấn cá nhân, vừa phản ánh nỗ lực của tác giả trong việc tự gián cách và soi chiếu cái tôi qua góc nhìn khách quan.
Theo tác giả, tinh thần tự tại, độc lập là điều kiện cần, giúp mỗi người khám phá, thấu hiểu bản thân trong tương quan với vạn vật. Hòa mình vào không gian thiên nhiên im ắng với cây sồi bất động, chiếc lá nín thở, con cú lợn đã ngừng kêu, tâm hồn con người có thể được lắng sâu. Nhưng, trạng thái tĩnh lặng ấy lại đem đến những cảm giác khác nhau như nỗi cô độc hay sự tự do, tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi người. Ông chỉ ra điểm khác biệt: "Nỗi cô độc có thể là sự cô lập, một lối thoát, một điều bất như ý, nhưng ở một mình mà không có gánh nặng cuộc đời, với tự do tuyệt đối nơi mà suy nghĩ - thời gian chưa bao giờ tồn tại, tức là ở cùng với vũ trụ".
Sự hiểu mình ấy chi phối cách tác giả quan niệm về bản chất của thiền định. Với Krishnamurti, thiền là nhìn thế giới như nó "vốn là" thay vì "cái nên là".
Thiền định đến đầy tự nhiên, ngay khi tâm trí tự do: "Bạn nhận thức được quang cảnh đồng quê, những ngôi nhà, những người nông dân trên cánh đồng, kiểu dáng của chiếc xe chạy ngang qua và bầu trời xanh xuyên qua tán lá. Bạn thậm chí không nhận ra rằng thiền định đang diễn ra; việc thiền định này đã bắt đầu từ rất lâu trước đó và sẽ tiếp diễn đến vô tận". Vì thế, mọi sự kiểm soát, chủ đích khi bắt đầu thiền đều là "phủ nhận nó" và không cần thiết.
Thiền không phải để rèn kỷ luật, tự giác theo một nhịp độ cố định. Trái lại, chỉ khi bản thân đã biết tự giáo dục và sắp xếp được cuộc sống thường nhật thì "mới tồn tại sự thức tỉnh về vẻ đẹp của thiền định".
Ngoài ra, trong tác phẩm, cảnh sắc thiên nhiên cũng chính là vẻ đẹp cuộc sống. Các đoạn trích thường mở đầu và kết thúc bằng những dòng văn miêu tả thế giới tự nhiên giàu chất thơ.
Tác giả còn đưa ra lời cảnh tỉnh về sự mất kết nối giữa con người và thiên nhiên, dẫn đến sự xa lạ với đồng loại. Ông viết: "Nếu không có mối liên hệ với thiên nhiên thì bạn sẽ trở thành kẻ giết chóc; rồi bạn giết hại hải cẩu con, cá voi, cá heo và con người, vì lợi ích, vì giải trí, vì thức ăn hoặc vì tri thức".
Tác phẩm nhận nhiều lời khen từ độc giả. Trên Goodreads, tài khoản Claire nhận xét: "Lời văn của Krishnamurti sâu sắc bởi nó thôi thúc người ta đi sâu vào nội tâm của chính mình mà không có sự đóng khung, bó buộc trong tâm trí".
J. Krishnamurti (1895-1986), sinh ra tại Ấn Độ, là một trong những nhà tư tưởng và triết gia tâm linh hàng đầu của thế kỷ 20. Trong suốt cuộc đời mình, Krishnamurti đã tham gia nhiều cuộc đối thoại với các nhà khoa học, triết gia, nhà giáo dục tại khắp nơi trên thế giới, mang đến cho công chúng nhiều bài viết, bài giảng có giá trị. Ông luôn nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa tư tưởng phương Đông - phương Tây, cũng như nuôi dưỡng sự hiểu biết về thân phận con người và bản chất của sự tồn tại.
Tại Việt Nam, các đầu sách của ông được xuất bản bao gồm: Tự do đầu tiên và cuối cùng, Như ta là - Giải thoát tâm trí khỏi mọi sự quy định, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, Trò chuyện với hiện thể, Bạn đang nghịch gì với đời mình, Tự do vượt trên sự hiểu biết, Thế giới trong bạn, Cuộc đời phía trước, Đôi điều cần suy ngẫm, Đánh thức trí thông minh.
Khánh Linh