Cách nào kích cầu thêm tiêu dùng nội địa?

Để kích cầu lúc người tiêu dùng thì ngoài giảm giá, ngành bán lẻ cần đổi mới sản phẩm, hạ tầng thương mại, theo chuyên gia.


Hôm 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 47 về giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, địa phương có giải pháp tăng kết nối, kích cầu tiêu dùng nội địa. Công điện được ban hành trong bối cảnh trụ cột xuất khẩu chịu áp lực từ các biến động thuế quan. Do đó, khu vực dịch vụ - hiện chiếm 43,44% cơ cấu GDP - trở thành động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8%.


Năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ được Chính phủ đặt mục tiêu tăng 12%. Tuy nhiên, trong quý I, lĩnh vực này mới tăng 9,9% so với cùng kỳ 2024, và chỉ đạt 7,5% nếu trừ yếu tố giá. Trong Chỉ thị 08 hồi đầu tháng 4, Bộ Công Thương xác nhận mức tăng trưởng này chưa đạt kỳ vọng.


Tại "Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng" ngày 22/4, đại diện Bộ Tài chính đánh giá tâm lý tiêu dùng còn thận trọng dù các dấu hiệu kinh tế vĩ mô tiến triển tốt. CPI quý I tăng 3,22%, trong mức kiểm soát dưới 4%, nhưng tiềm ẩn áp lực lạm phát. Trong khi, tăng trưởng thu nhập thực tế chưa đủ mạnh để tạo ra cú hích cho tiêu dùng.


Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá nếu ngành bán lẻ "không có đột phá thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng 12%". Bộ này đang thu thập các đề xuất để hoàn thiện đề án kích cầu tiêu dùng nội địa, dự kiến trình trước 30/4.


Chuyên gia, sở ngành địa phương cho rằng cần một loạt chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn lẫn dài hạn để kích cầu, củng cố sức khỏe ngành thương mại dịch vụ.


Trong ngắn hạn, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay địa phương đang tích cực tổ chức các chương trình kích cầu mua sắm, kết nối cung-cầu dịp hè và cuối năm, quảng bá hàng Việt, phát triển mô hình chợ điểm phục vụ khách du lịch.


Ông Trần Hữu Linh cho rằng các địa phương cần tăng tần suất khuyến mại nhân các ngày lễ lớn, đồng thời đổi mới Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, các chương trình kết nối cung-cầu, bình ổn thị trường sẽ giúp tạo hiệu ứng và niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, năm nay có nhiều dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn cùng với kỳ nghỉ dài là điểm thuận lợi khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm hàng hóa.


Tuy nhiên, ông Phan Văn Chinh, Phó cục trưởng Cục Thị trường trong nước lưu ý doanh nghiệp không nên xem nội địa là kênh giải tỏa hàng xuất khẩu tồn đọng vì cách làm này sẽ không hiệu quả. "Kích cầu cần tiếp cận theo hướng tạo ra nhu cầu, sản phẩm mới phù hợp với thị trường, thông qua tận dụng công suất sản xuất", ông khuyến nghị.


Tương tự, ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail cũng gợi ý các nhà sản xuất tăng phát triển thêm sản phẩm mới để mở rộng đầu ra.


Nhưng sức tiêu thụ phụ thuộc vào tâm lý, nhu cầu và năng lực chi tiêu của người dân. Do đó, giảm giá cần đi kèm các giải pháp căn cơ hơn. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chỉ ra niềm tin tiêu dùng giảm. "Chính vì vậy, cần tác động từ chính sách lương, thu nhập đủ sống", ông nêu.


Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến hết 2026, thay vì tới giữa năm nay. Cơ quan này cũng đề xuất mở rộng một số mặt hàng được áp dụng giảm 2% thuế VAT như sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu.


Về dài hạn, chuỗi cung ứng và hạ tầng cho ngành thương mại cần được nâng cấp. Theo Cục thống kê, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam đến 2024 khoảng 4.922 tỷ đồng, tương đương khoảng 190 tỷ USD.


Hàng hóa phân phối qua 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và gần 7.000 cửa hàng tiện lợi. Tỷ trọng tiêu dùng hàng hóa qua kênh bán lẻ truyền thống chiếm khoảng 75%, bán lẻ hiện đại trực tiếp 20% và mua sắm trực tuyến 5%.


Ông Trần Hữu Linh cho rằng các hệ thống bán lẻ nội địa cần tiên phong mở rộng mạng lưới điểm bán đến các thị trường vùng sâu, xa. Hướng đi này vừa mở rộng được khả năng tiêu thụ, vừa đáp ứng nhu cầu người dân.


Tuy vậy, các địa phương cho biết đang gặp khó trong nâng cấp hạ tầng bán lẻ hiện hữu. Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ nói địa phương cũng kêu gọi tư nhân đầu tư chợ, trung tâm logistics nhưng chính sách và ưu đãi chưa hấp dẫn. "Cần Thơ được quy hoạch 3 trung tâm logistics cấp vùng nhưng mời gọi đầu tư khó khăn, trong khi chi phí logistics chiếm 15-40% giá thành, nhất là với sản phẩm nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long", ông Sử nêu.


Các chuỗi bán lẻ hiện đại cũng nêu tính cấp thiết xây dựng và liên kết hệ thống hạ tầng logistics, bán lẻ đồng bộ. Đại diện WinCommerce đề xuất các địa phương có chính sách và biện pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics đồng bộ, giảm chi phí cho ngành.


Chuỗi này cũng đề xuất có chính sách ưu đãi tín dụng quy mô lớn dành cho doanh nghiệp logistics; các chương trình ưu đãi và hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp sản xuất, logistics và bán lẻ để hình thành chuỗi cung ứng chủ động, lưu thông hàng hóa thông suốt.


Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức đồng tình cần cấu trúc lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của lĩnh vực phân phối trong nước. "Việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, thành tạo ra không gian mới cho ngành phát triển. Do đó, các địa phướng mới cần quy hoạch lại ngành thương mại để tạo nền tảng cho giai đoạn mới", ông Đức nhận định.


Viễn Thông









Cach nao kich cau them tieu dung noi dia?


De kich cau luc nguoi tieu dung thi ngoai giam gia, nganh ban le can doi moi san pham, ha tang thuong mai, theo chuyen gia.

Cách nào kích cầu thêm tiêu dùng nội địa?

Để kích cầu lúc người tiêu dùng thì ngoài giảm giá, ngành bán lẻ cần đổi mới sản phẩm, hạ tầng thương mại, theo chuyên gia.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá