Đại lễ Phật đản hướng đến sự đoàn kết, bao dung vì nhân phẩm con người

TP HCM - Trong lần thứ tư tổ chức đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam, ban tổ chức sẽ tập trung vào các chủ đề hoà bình, phát triển bền vững, và ứng dụng giáo lý Phật giáo vào xã hội hiện đại.


Đại lễ Phật đản Vesak 2025 khai mạc lúc 8h sáng 6/5, kéo dài đến ngày 8/5 tại học viện Phật giáo, huyện Bình Chánh, TP HCM. Đây là lần thứ 4, Việt Nam đăng cai tổ chức trong vòng 17 năm. Ba lần trước diễn ra ở Hà Nội (năm 2008), Ninh Bình (năm 2014) và Hà Nam (năm 2019).


Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak 2025, cho biết kỳ Vesak này sẽ có đại biểu từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự và hàng chục nghìn người dân, phật tử trong nước tham gia.


Đây sẽ là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của đất nước. Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 50 năm thống nhất nên đại lễ cũng là cơ hội giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam hòa bình, thân thiện, đoàn kết, hòa hợp.


Đại lễ có sự tham dự của khoảng 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm các vị Tăng vương, Tăng thống, Pháp chủ, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao Tăng, tiêu biểu các truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới, các nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng...


Ngoài các đại biểu, nhiều lãnh đạo các nước trong đó có Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake, Thủ tướng Nepal K.P.Sharma Oli, Thủ tướng Ấn Độ Kiren Rijiju... cũng đến tham dự đại lễ Phật đản 2025. Chủ tịch nước Lương Cương sẽ phát biểu tại lễ khai mạc.


Chủ đề chính của đại lễ là Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững. Các chủ đề phụ gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì Hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng Chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo qua hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.


Dựa trên các chủ đề này, ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 bài tham luận bằng tiếng Anh và tiếng Việt, tập trung vào các chủ đề về hòa bình, phát triển bền vững, và ứng dụng giáo lý Phật giáo vào xã hội hiện đại.


Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỳ vọng Vesak 2025 sẽ khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới; giúp mở rộng giá trị giáo lý của Đức Phật vì hòa bình và phụng sự nhân sinh trong bối cảnh thế giới ngày nay. Ngoài ra, đại lễ cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế.


Trong khuôn khổ của lễ, tại học viện Phật giáo đã trưng bày xá lợi Đức Phật được đưa từ Ấn Độ để phật tử chiêm bái từ ngày 3/5. Chiều 5/5, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức cũng được cung thỉnh về Việt Nam Quốc tự để người dân chiêm ngưỡng, đảnh lễ từ chiều 6/5. Đây cũng là lần đầu tiên sau 34 năm lưu giữ tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam, bảo vật được rước về để người dân chiêm bái.


Tại đại lễ, phần lễ hội Văn hóa Phật giáo với nhiều hoạt động sẽ có các hoạt động: lễ thượng kỳ lá cờ Phật giáo có kích thước 500 m2 - lớn nhất thế giới, thắp nến cầu nguyện hòa bình, lễ hội hoa đăng cầu quốc thái dân an với 2.000 người tham dự, thắp sáng 35.000 hoa đăng, triển lãm thư tịch cổ, triển lãm 87 bảo vật Quốc gia của Phật giáo Việt Nam...


Nhiều tháng qua, TP HCM đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ chu đáo cho đại lễ. Gần 13.000 tình nguyện viên được huy động từ sinh viên, tăng ni học viện, người dân, phật tử ở các chùa có thể phục vụ 100.000 phần cơm chay cho người dân và 3.000 đại biểu trong mỗi ngày lễ. Ban tổ chức đã phân khu riêng biệt rộng hơn 5.000 m2 để đầu bếp chế biến món ăn và một khu nhà rộng khoảng 4.600 m2 phục vụ buffet chay với gần 200 món.


Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tùy theo quan niệm.


Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).


Năm 1950, đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Colombo, Sri Lanka, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là 15/4 âm lịch.


Tại Việt Nam, lễ Phật đản hàng năm được Giáo hội Phật giáo tổ chức. Vào ngày Phật đản, các phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa, trang trí bàn thờ Phật. Phật tử có thể đến chùa làm công quả hoặc nghe thuyết giảng để được thanh tịnh.


Ngày 15/12/1999, tại hội nghị lần thứ 54, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận và thừa nhận lễ kỷ niệm ngày Vesak vào 15/4 âm lịch. Nghị quyết hội nghị viết, ngày trăng tròn tháng tư (15/4) là ngày thiêng liêng nhất của phật tử bởi "Lời dạy của Đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của ngài đã chuyển hóa hàng triệu người".


Năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ) với các đoàn Phật giáo từ 34 nước tham dự. Bốn năm sau, các đại biểu dự Vesak tại Thái Lan ra tuyên bố chung đầu tiên, nhấn mạnh "ngày rằm tháng năm mỗi năm là ngày thiêng liêng nhất của phật tử trên khắp thế giới, vì ngày đó họ kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật". Tuyên ngôn cũng kêu gọi phật tử noi theo đức hạnh từ bi, trí tuệ, thanh khiết của Đức Phật để sống hài hòa.


Đình Văn









Dai le Phat dan huong den su doan ket, bao dung vi nhan pham con nguoi


TP HCM - Trong lan thu tu to chuc dai le Vesak 2025 tai Viet Nam, ban to chuc se tap trung vao cac chu de hoa binh, phat trien ben vung, va ung dung giao ly Phat giao vao xa hoi hien dai.

Đại lễ Phật đản hướng đến sự đoàn kết, bao dung vì nhân phẩm con người

TP HCM - Trong lần thứ tư tổ chức đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam, ban tổ chức sẽ tập trung vào các chủ đề hoà bình, phát triển bền vững, và ứng dụng giáo lý Phật giáo vào xã hội hiện đại.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá