Chiến dịch đông xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 5/7/1954 đã tạo tiền đề cho Việt Nam đạt được thắng lợi trên bàn đàm phán tại hội nghị Geneve ở Thụy Sĩ. Ngày 21/7/1954, các bên tham gia hội nghị ra tuyên bố chung công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, đình chỉ chiến sự, Pháp rút quân về nước.
Với Việt Nam, sông Bến Hải dọc theo vĩ tuyến 17 được xác định là giới tuyến quân sự tạm thời chia đất nước thành hai vùng. Hai vùng Nam, Bắc sẽ hiệp thương vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử tháng 7/1956. Lịch trình rút quân và chuyển quân của Pháp được ấn định ở khu vực Hà Nội là 80 ngày, Hải Dương 100 ngày và Hải Phòng 300 ngày, kể từ ngày ký kết hiệp định Geneve.
Trong 300 ngày này, các cơ quan dân sự, quân sự, chính trị, các đảng phái và tổ chức tay sai của Pháp đổ dồn về Hải Phòng chờ ngày xuống tàu hồi hương hoặc vào miền Nam. Từ Hải Phòng về Hà Nội thăm gia đình vào Tết Ất Mùi năm 1955, ông Phạm Tuệ ở quận Lê Chân nhớ rõ "Thủ đô năm đó không khí giải phóng rộn rã chưa từng thấy, trong khi Hải Phòng ngột ngạt, căng như dây đàn".
Âm mưu của Mỹ, Pháp và tay sai
Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng ghi lại sau khi rời bỏ Hà Nội, một số đơn vị Pháp được hồi hương, một số vào miền Nam Việt Nam hoặc nhập quân đội ở Bắc Phi. Còn lại lực lượng khá mạnh vẫn ở lại Hải Phòng. Ngoài Pháp và tay sai, Mỹ còn đưa 200 phi công, nhân viên đến sân bay Cát Bi, điều tàu chiến cập cảng Hải Phòng để đưa binh lính, người di cư, vũ khí, hàng hóa vào Nam.
Mỹ, Pháp và tay sai liên tục vi phạm hiệp định Geneve bằng cách vây bắt lính, cướp tài sản, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Chính phủ Việt Nam. Hàng loạt đảng phái, tổ chức tay sai được dựng lên như Đại Việt, Năm Sao Trắng, Hoa Kiều Cứu Quốc... Chúng đặt loa phóng thanh, vẽ khẩu hiệu, băng rôn khắp các phố nói xấu Chính phủ Việt Nam để người dân nghi ngờ, nhất là những gia đình có người làm việc cho Pháp, giáo dân.
Mỹ đưa Ngô Đình Diệm từ Washington về Sài Gòn chuẩn bị lập chính quyền mới, cung cấp hàng triệu đồng Đông Dương để triển khai các hoạt động di dân. Tháng 8/1954, chúng lập Ủy ban Di cư miền Duyên Hải, trụ sở đặt tại Hải Phòng, phát lệnh di cư đến các nhà máy, công sở và tổ chức điểm ghi tên ở khu đông dân cư. Ai không đăng ký di dân sẽ bị tụi lưu manh đến nhà đe dọa phá phách, hoặc bị chủ nhà máy, công sở đuổi việc.
Trường học, đình chùa, thậm chí cả nhà dân được trưng dụng thành trại di dân. Binh lính dựng lều bạt, chen chúc nhau ở khu vườn hoa, kéo dài từ cổng cảng đến Nhà hát Lớn. Tháng 8/1954, Ngô Đình Diệm, khi đó là thủ tướng của chính phủ Bảo Đại trực tiếp ra Bắc đôn đốc di cư, thăm trại ở trường Ngô Quyền với hứa hẹn cuộc sống giàu có, sung túc trong Nam.
Muốn biến Hải Phòng là thành đô thị "chết", Mỹ và Pháp hối hả vận chuyển máy móc, nguyên liệu vào Nam, triệt tiêu mọi cơ sở vật chất kỹ thuật nơi này. Hồ sơ, tài liệu, tài sản ở các nhà máy nước, điện, nhà thương, bưu điện, cảng... được chuyển đi. Các nhà tư sản công thương nghiệp cũng bị ép phải di chuyển theo. Cái gì không mang theo được thì phá hủy, dùng vũ lực đàn áp nếu có chống cự.
Cửa ô ra vào thành phố bị kiểm soát nghiêm ngặt hòng ngăn chặn giao lưu kinh tế với vùng giải phóng. Đời sống của người dân nội thành chật vật khi Pháp chỉ cho gạo trong Nam ra và tăng thuế môn bài, thuế cư trú. Các hãng buôn đóng cửa hoặc buôn bán cầm chừng. Xưởng sản xuất bị tháo dỡ máy móc khiến hàng chục nghìn công nhân thất nghiệp.
Tại cảng, Pháp, Mỹ và tay sai lén lút chuyển đi nhiều loại hàng hóa tốt, đặt chướng ngại vật ở các kho bãi, cầu tàu, làm hải đồ giả để tê liệt tuyến hàng hải. Thống kê từ ngày ký kết hiệp định Geveve đến hết năm 1954, tại Hải Phòng, Pháp và các tổ chức phản động đã vi phạm 217 lần thỏa thuận, bắt 1.672 người, giết 9 người. Riêng tháng 3/1955, chúng bắt giữ 318 người, giết hại 13 người.
Chống di dân, giữ máy móc
70 năm trước, lực lượng cách mạng ở Hải Phòng chủ yếu ở ngoại thành, vùng đã giải phóng, còn nội thành chủ yếu là nhóm hoạt động bí mật. Xác định TP Hải Phòng là điểm nóng của cả nước nên Trung ương Đảng quyết định tách Hải Phòng ra khỏi Khu Tả ngạn, trực tiếp chỉ đạo. Nhiều cán bộ từ trung ương được tăng cường, ông Đỗ Mười được phân công làm Bí thư Thành ủy.
Từ vùng giải phóng, cán bộ cách mạng tìm mọi cách thâm nhập vào nội thành để nắm bắt tình hình, thành lập đội ngũ hoạt động bí mật. "Những người sống trong nội thành được kêu gọi, kết nạp vào Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong, có nhiệm vụ chống lại hoạt động phá hoại", cựu chiến binh Mai Văn Tú, 90 tuổi, ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, nhớ lại.
Hàng ngày, ông Tú và đồng đội nhận nhiệm vụ bằng cách truyền miệng rồi tỏa đi xóa khẩu hiệu phản động trên phố. "Hai người được cắt ra canh gác hai đầu đường, người còn lại dùng vôi xóa, giật khẩu hiệu mà địch vừa viết. Phải bí mật, bị lộ là chúng bắt đưa lên tàu vào Nam ngay", ông Tú kể. Đội của ông Tú còn phải trà trộn vào đám đông để theo dõi, nhận diện phản động để báo cho tổ chức xử lý và xâm nhập các nhà máy, công sở để giữ tài sản.
Tổ chức Đảng phân công anh em tự động phân tán, tháo rời, cất giấu tài sản, máy móc vào nhà dân hoặc ở nơi kín đáo, canh gác bảo vệ máy. Nhiều người mang cơm nắm, bánh trái ăn ngủ tại nhà máy. Chỉ một tuần (từ 12/3 đến 17/3/1955), nội thành Hải Phòng có 15 cuộc đấu tranh giữ máy móc, chống giãn thợ ở nhà máy Xi Măng, Máy Chai, Trại Pháo Thủ, xưởng Marin, Sở Bưu điện...
Ngày 27/10/1954, 300 công nhân đấu tranh giữ lại toa xe, đầu máy trước lệnh tháo dỡ của chủ sở. Hay tin người dân gần ga Hải Phòng đến hỗ trợ, số lượng lên đến 700-800. Sau đó một ngày, khi lính Pháp lại tới Nhà thương Vườn hoa (Nhà triển lãm hiện nay) tháo thiết bị y tế, người dân tiếp tục tập trung phản đối.
"Hàng vạn người kéo đến, bất chấp sự đàn áp, bắt bớ của quân tay sai Mỹ, Pháp. Khoảng 10h, cảnh sát tới bắt nhiều người đi nhưng người dân ở Xi Măng, Lạc Viên, cảng vẫn kéo đến đấu tranh đến 21h và dừng lại khi Ủy ban quốc tế đọc biên bản, Pháp buộc dừng di chuyển máy móc và thả người", ông Tú kể.
Tư liệu lịch sử ghi nhận nhân dân Hải Phòng đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh giữ máy móc, thiết bị, tài nguyên với hàng trăm, hàng nghìn người tham gia. Trước sự khủng bố bằng xe phun nước muối, gậy gộc của kẻ thù, nhiều người nằm ra cản bánh xe, ôm chặt máy móc.
Nhằm hạn chế binh lính tay sai cho Pháp, Mỹ di chuyển vào Nam, các đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ được phân công đến từng gia đình binh sĩ vận động. Hàng ngày, các mẹ, các chị đến đồn bốt kêu gọi chồng con trở về. Chỉ một tháng sau Hiệp định Geneve, 23 đại đội với 3.481 binh sĩ giải ngũ.
Để ngăn làn sóng di dân, ở vùng giải phóng, tổ chức Đảng đưa cán bộ về làng Công giáo tuyên truyền. Một số nhà tư sản, trí thức được mời tham quan Hà Nội, Hải Dương để chứng kiến đời sống sau giải phóng. Với tư cách người nhà, cán bộ và cơ sở bí mật vào trại tập trung di cư gặp người dân, khơi gợi tình cảm gia đình, tình làng nghĩa nước, vận động giáo dân trở về quê hương. "Cán bộ bày cách cho các gia đình, công nhân viên chức cứ ghi danh, nhận tiền để không bị bọn lưu manh đến đe dọa, sau đó tìm cách trì hoãn, không đi'', ông Tú nói.
Một số đồng bào mới từ miền Nam trở ra được đưa vào trại di dân, kể lại sự thật hỗn loạn của chính quyền phản động thân Mỹ. Những câu chuyện thực tế tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm của người dân di cư. Giáo dân trú ở trường Ngô Quyền sau đó đấu tranh đòi về quê, buộc Pháp phải đưa họ về Hà Nội. Tháng 9/1954 có 335 gia đình bỏ trại, tháng 10/1954 tăng lên 1.200 gia đình.
Giải phóng
Gần đến hạn 300 ngày, Mỹ, Pháp càng tìm mọi cách kéo dài thời gian chuyển quân, gửi đơn đến 9 quốc gia tham dự Hội nghị Geneve khẩn thiết yêu cầu gia hạn thời gian di dân. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của họ đều thất bại. Ngày 28/4, bộ đội vào tiếp quản An Dương; ngày 8/5 tiến vào Hải An; ngày 10/5 tới tỉnh lỵ Kiến An và ngày 13/5 toàn bộ TP Hải Phòng được giải phóng.
Dựa trên danh sách công sở và xí nghiệp, Trung ương và Thành ủy Hải Phòng bố trí cán bộ đến tiếp nhận bàn giao. Khối lượng lớn hàng hóa, bao gồm gạo, chất đốt, tiền và đường, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ đời sống của người dân ngay sau ngày thành phố được tiếp quản.
"Đêm trước ngày giải phóng, cả thành phố như nín thở. Mọi người vừa mừng rỡ, háo hức, vừa thấp thỏm lo âu. Cờ và hoa đã được chuẩn bị sẵn sàng, nhưng chúng tôi phải đợi đến khi quân ta tiến vào và quân địch rút đi mới dám treo", ông Phạm Tuệ hồi tưởng.
Gần 5h ngày 13/5/1955, ông Tuệ hé mở cánh cửa tầng hai của ngôi nhà trên phố Trần Phú, nhìn thấy những bóng dáng quen thuộc đang lặng lẽ tiến vào thành phố. Bộ đội đi thành hàng ngũ chỉnh tề, tay cầm súng, vai khoác balô. Họ chầm chậm tiến về phía Nhà hát Lớn. Bộ đội đi đến đâu, người dân mang theo cờ hoa ùa ra chào đón đến đấy. Trong khi đó, từng tốp lính Pháp rút dần về phía cảng.
Lê Tân