Theo dự thảo tờ trình, một trong những mục tiêu lớn của dự án Luật là đưa Việt Nam từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Tư duy đột phá này được kỳ vọng có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.
Để làm được điều này, ngân sách nhà nước cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sẽ được ưu tiên phân bổ ngân sách để làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì dàn trải như trước.
Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện, trên cơ sở đánh giá hiệu quả đầu ra và mức độ đóng góp thực chất. Đồng thời, nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.
Dự thảo Luật cũng tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.
Tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa; người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập do kết quả nghiên cứu mang lại và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân. Đây chính là động lực đổi mới, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm trong nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa khoa học công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cách đây ba tuần, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nói việc chấp nhận rủi ro không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý mà là tạo điều kiện để các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, mang tính đột phá. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí, trong khi những đơn vị kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.
Bên cạnh các nội dung trên, dự án Luật cũng chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc điều chỉnh nhu cầu nghiên cứu cơ bản xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tạo sự gắn kết giữa các loại hình nghiên cứu và tăng tỷ trọng nghiên cứu có tác động vào thực tiễn.
Đồng thời, Dự thảo không giới hạn quyền phát triển công nghệ của các trường đại học, nhằm thúc đẩy mô hình tích hợp ba chức năng: đào tạo - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo. Đây là mô hình phổ biến ở các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần xây dựng hệ sinh thái học thuật và đổi mới sáng tạo bền vững, năng động và có sức lan tỏa sâu rộng.
Cũng trong buổi sáng, các đại biểu sẽ nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.
Buổi chiều, các đại biểu về tổ thảo luận ba dự án Luật gồm: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Sơn Hà