Sách của GS Phan Văn Trường thảo luận về cách rèn tư duy hệ thống và phương pháp lập luận, yếu tố quan trọng giúp con người vượt qua khó khăn trong thời đại bùng nổ thông tin. Ấn phẩm ra mắt tháng 4, nhan đề dựa trên câu nói của dân gian: "Dã tràng xe cát biển đông/ Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì". Theo tác giả, dã tràng không suy nghĩ, đo đạc, so sánh, không tự đánh giá và cũng chẳng quản nhọc nhằn. Sinh vật ấy cứ xe cát một cách tỉ mỉ, trật tự, đồng bộ và đều nhịp, gợi liên tưởng đến cách sống, lý luận cảm tính và suy nghĩ máy móc, thụ động.
Giáo sư đặt ra câu hỏi: Phải chăng nó là hình mẫu trong bối cảnh toàn thế giới đầu thế kỷ 21 - giai đoạn theo ông là "thực sự nhiễu nhương và khó hiểu, thông tin rối loạn và thất thiệt tràn ngập mọi lúc mọi nơi, đến nỗi ngay nhiều sự xác nhận có thẩm quyền cũng đôi khi tỏ ra xấp xỉ, xuề xòa, thậm chí lệch lạc".
Theo cuốn sách, cần học cách tư duy có hệ thống - cách hiểu, nhận diện thực tế rằng vạn vật liên kết, vận hành chặt chẽ với nhau trong cùng một tổng thể, có ảnh hưởng ít nhiều lên nhau và không bộ phận nào riêng lẻ. Điều này giúp xử lý những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, công việc thường ngày, giữ cho con người khả năng nhìn nhận toàn cảnh.
Người có cách nghĩ này có thái độ luôn tìm hiểu "tại sao" trong mọi hoàn cảnh, tìm ra cốt lõi vấn đề và giải pháp bằng những câu hỏi "như thế nào", "làm thế để làm gì", "sẽ ảnh hưởng đến ai".
GS Phan Văn Trường đưa ra giả định cá nhân từ trải nghiệm dạy học cho sinh viên, các lớp Thạc sĩ: "Người Việt ít thích lập luận, đúng hơn là có khuynh hướng tránh lập luận", cho rằng có vẻ như họ thích "giáo điều hơn", "học thuộc hơn", "không thích ai khác mình". Điều đó có thể khiến cho tâm lý bầy đàn xuất hiện.
Phương pháp học thuộc lòng khiến con người thụ động, không trao đổi tương tác và không có ý muốn làm phong phú vấn đề thảo luận. Đề tài nào cũng được trả lời như sau: "Tôi biết vì tôi đã được học" hoặc "Tôi không biết vì tôi chưa bao giờ được học".
Người thiếu tư duy hệ thống không thể lập luận mạch lạc, bị dồn vào thế phải đi "sao chép nhận thức", những gì đưa ra đều là của người khác, từ đó dễ có khuynh hướng đạo văn. Đặc biệt, trong thời đại AI, con người dễ "yếu lòng", đi sao chép văn của chúng, bởi mô hình này có tư duy hệ thống, bản thân nó đã là một hệ thống. Điều đó dẫn đến sự phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo ngày càng sâu, để rồi "nghiện hoặc làm một kiểu nô lệ trá hình" cho AI.
Sách có đoạn: "Trên bản chất, AI có khả năng học không giới hạn. Nó có thể đã đọc tất cả sách báo, tài liệu của loài người trên toàn lịch sử, nhưng chính bản chất của tài liệu nó được đọc sẽ là nguồn gốc của nhiều sai lầm. AI sẽ không biết thế nào là tiêu cực, vì nó sẽ chỉ đơn giản học ở đâu đó rằng thế nào là tiêu cực, thậm chí thế nào là man trá. Nếu nó học được rằng thói ăn nhiều là tiêu cực thì nó sẽ biết chắc như đinh đóng cột rằng ăn nhiều là tiêu cực, và trong thuật toán của nó sẽ tồn tại ý tưởng rằng ăn ít là tích cực. Nếu có một trăm triệu người nói rằng ăn đường nhiều sẽ khỏe, uống Cola sẽ khỏe, uống cồn nặng sẽ vui nhộn, thì có thể AI sẽ học thuộc điều đó một cách chăm chỉ và trung thành".
Trong chương cuối, cuốn sách đặt ra câu hỏi quen thuộc nhưng không dễ trả lời: "Học để làm gì?" và lý do tư duy phản biện, tự học suốt đời là kỹ năng sống không thể thiếu.
Tác phẩm sử dụng cách viết dễ hiểu, gần gũi. Để chứng minh luận điểm, tác giả đưa ra những ví dụ của cuộc sống thường nhật như ùn tắc giao thông, kết quả của trận bóng đá, đời sống tình cảm và hôn nhân, học và thi cử, khởi nghiệp, lập nghiệp.
Giáo sư Phan Văn Trường sinh năm 1946, là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ năm 1990. Ông hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ, nhận Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục tại Việt Nam năm 2010. Ông là tác giả, đồng tác giả của nhiều cuốn sách như Cơn lốc quản trị (2023), Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ (2022), bộ sách Kết tinh một đời. Trong đó, Một đời thương thuyết nhận giải Sách Hay năm 2016, hạng mục sách quản trị.
Châu Anh