ThS.BS Trịnh Lê Vy, Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết anh Tùng đến viện khi ở giai đoạn viêm mô tế bào vùng mũi, theo dõi áp xe, được chỉ định nhập viện nhưng mong muốn điều trị ngoại trú. Sau một tuần, vùng mũi của anh đáp ứng kém với thuốc đường uống, sưng nề, đau nhức nhiều.
Theo bác sĩ Vy, lúc này khối áp xe căng tức nhiều, nếu không xử lý kịp thời có nguy cơ lan rộng lên ổ mắt, mặt, nền sọ, lan vào hệ tĩnh mạch não qua xoang hang gây viêm tắc xoang hang, có thể để lại di chứng thần kinh. Người bệnh nhập viện được gây mê để dẫn lưu áp xe.
ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, rạch một đường nhỏ ngoài mũi bệnh nhân, tại vị trí cao nhất của ổ sưng để tháo mủ từ mô dưới da, dẫn lưu ổ mủ còn lại sau đó rửa sạch khoang áp xe. Sau ba ngày, tình trạng anh Tùng ổn định, vết mổ lành thương tốt, xuất viện.
Kết quả cấy vi khuẩn của anh Tùng phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus. Đây là loại vi khuẩn thường gây nhiễm trùng, áp xe ở người, có khả năng kháng một số kháng sinh thông thường, vì vậy người bệnh trước đó uống thuốc theo toa không bớt. Người bệnh cần tiếp tục điều trị bằng kháng sinh để tối ưu hóa phác đồ điều trị.
Bác sĩ Thái Duy lưu ý tự nặn mụn vùng mũi, đặc biệt là vùng chữ T (trán, mũi, cằm) khá nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiễm trùng lan rộng. Khu vực này có hệ thống mạch máu thông nối trực tiếp với các tĩnh mạch não. Khi dùng tay không sạch hoặc các vật dụng không vô trùng để nặn mụn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua da, lan xuống các mô dưới da, gây viêm mô tế bào. Nếu viêm không được kiểm soát, tình trạng sẽ tiến triển thành áp xe tụ mủ, gây đau nhức, sưng nề và phá hủy mô xung quanh.
Không nên tự ý nặn mụn ở vùng mũi, đặc biệt vùng chữ T khi mụn có dấu hiệu sưng đỏ, đau nhức, mưng mủ. Người có biểu hiện bất thường cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |