Thông tin nằm trong Sách trắng về di cư do Bộ Nội vụ Anh công bố ngày 12/5. Chính phủ cho biết tiền thuế sẽ được tái đầu tư vào hệ thống giáo dục đại học để hỗ trợ và khuyến khích sinh viên Anh vào học đại học.
Đây là nỗ lực nhằm nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trong nước. Khoản tiền thuế ước tính khoảng 600 triệu bảng Anh, theo Universities UK, tổ chức đại diện cho hơn 140 đại học ở quốc gia này. Chi tiết về việc áp thuế sẽ được công bố vào tháng 8.
Ngoài ra, Anh tăng yêu cầu về ngôn ngữ ở các loại thị thực. Người phụ thuộc của du học sinh, thường là vợ/chồng, phải chứng minh có trình độ tiếng Anh bậc A1 để nhập cảnh, A2 để gia hạn visa và B2 nếu muốn định cư. Đây là điểm mới so với trước.
Người xin thị thực lao động cần phải đạt trình độ B2, thay vì B1 như trước. Thời gian để sinh viên ở lại tìm việc sau tốt nghiệp cũng giảm từ 2 năm xuống còn 18 tháng.
Chính phủ cũng siết tiêu chuẩn với các trường, thông qua Bộ đánh giá tuân thủ cơ bản (Basic Compliance Assessment - BCA) hàng năm. Trong đó, trường phải có tỷ lệ nhập học tối thiểu 95%, tỷ lệ sinh viên hoàn thành khóa học 90%, mới được tuyển sinh viên quốc tế. Một hệ thống xếp hạng mới được đưa ra gồm 3 mức Đỏ - Vàng - Xanh để phân loại đại học. Trường yếu kém (Đỏ) sẽ bị hạn chế tuyển sinh. Chi tiết chưa được công bố.
Người nước ngoài sống tại Anh ít nhất 10 năm mới được xin định cư, thay vì 5 năm như trước, trừ khi chứng minh đóng góp rõ rệt cho kinh tế và xã hội. Chính phủ cũng sẽ có cơ chế ưu tiên cho người có tay nghề cao và đóng góp thiết thực, như bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia AI.
Các động thái của chính phủ Anh diễn ra trong bối cảnh người nhập cư đạt gần một triệu, tính đến giữa năm 2023, gấp bốn lần so với năm 2019. Quy định mới nhằm chấm dứt tình trạng nhập cư ồ ạt.
"Mọi khía cạnh của nhập cư, thông qua lao động, gia đình và giáo dục, sẽ được thắt chặt. Việc thực thi sẽ nghiêm ngặt hơn bao giờ hết và số lượng người di cư sẽ giảm", Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu ngày 12/5. Ông nói sẽ tạo ra một hệ thống được kiểm soát, có chọn lọc và công bằng, ghi nhận những người thực sự đóng góp cho sự phát triển và xã hội.
Nhiều chuyên gia về giáo dục đại học lo ngại. Theo tờ The Times, nhu cầu xin thị thực du học Anh có thể giảm 7.000-12.000 mỗi năm do chính sách này.
Hiện học phí đối với sinh viên quốc tế ngoài EU khoảng 20.000 - 41.000 bảng Anh (685 - 1,4 tỷ đồng) mỗi năm. Với ngành Y, con số lên tới gần 68.000 bảng. Trong khi đó, học phí sinh viên bản địa tối đa là 9.250 bảng trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2023-24, học phí của sinh viên quốc tế đã mang lại 10 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế nước này, giúp các đại học bù đắp chi phí đào tạo.
Các lãnh đạo trường học cảnh báo việc đánh thuế sẽ gây thêm áp lực tài chính lên ngành giáo dục đại học vốn đã gặp khó khăn, đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành đào tạo chi phí cao như y khoa, nha khoa và thú y.
"Sau nhiều năm đóng băng học phí, không đủ kinh phí nghiên cứu và sự sụt giảm nhanh chóng về số lượng sinh viên quốc tế, môi trường hoạt động hiện tại đã rất khó khăn. Một khoản thuế sẽ không giúp ích gì cho bất kỳ đại học nào", Vivienne Stern, giám đốc điều hành Universities UK, nhận định. Bà lấy ví dụ, một khóa học như thú y chi gần 20.000 bảng Anh để đào tạo mỗi sinh viên, trong đó một nửa số tiền đến từ nguồn thu học phí của sinh viên quốc tế.
Hơn 730.000 du học sinh đến Anh vào năm học trước. Lợi thế của du học Anh là thời gian lấy bằng cử nhân khoảng ba năm, ít hơn một năm so với ở các quốc gia khác. Tương tự, chương trình thạc sĩ chỉ kéo dài một năm, thay vì hai năm. Nhóm ngành học được yêu thích nhất ở đây là Kinh doanh và Quản lý, thu hút hơn 1/3 tổng số sinh viên quốc tế.
Doãn Hùng (Theo Gov.uk, The Pie News, The Times)