Hãng xuất khẩu Trung Quốc ngại bán hàng trong nước

Nhu cầu nội địa yếu và cuộc chiến giá khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc ngần ngại chuyển hướng, dù họ đang chịu sức ép thuế với Mỹ.


Eno Qian - Giám đốc một nhà máy may mặc ở miền đông Trung Quốc - có lợi nhuận 20 nhân dân tệ (2,74 USD) cho mỗi sản phẩm xuất khẩu. Trong khi đó, nếu bán tại thị trường nội địa, cô chỉ thu được 10% con số đó. Vì thế, dù chịu ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu của Mỹ, việc chuyển hướng sang thị trường trong nước vẫn là "không khả thi" với doanh nghiệp của Qian.


Giới chức Trung Quốc đang thúc giục các hãng xuất khẩu tìm kiếm khách hàng trong nước để thay thế cho thị trường Mỹ. Thị trường này gần như đã đóng băng sau khi Washington áp thuế tới 145% lên toàn bộ hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lo ngại việc chuyển hướng này gặp nhiều thách thức.


Nhiều nhà máy phụ thuộc vào xuất khẩu cho biết họ đang đối mặt với nhu cầu nội địa yếu và cuộc chiến giá trong nước. Bên cạnh đó, lợi nhuận thấp, chậm thanh toán và tỷ lệ hoàn trả hàng cao cũng khiến họ ngần ngại.


Qian nói rằng cô "quyết định không theo đuổi thị trường nội địa", vì biên lợi nhuận quá thấp và "rủi ro về dòng tiền" khi các hãng bán lẻ Trung Quốc thanh toán chậm hoặc muốn hoàn trả hàng tồn kho. "Khách nước ngoài ổn định hơn", cô giải thích.


Những khó khăn này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng. Giới phân tích cho rằng điều này càng phản ánh sự cấp thiết của các chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Nếu không có các gói kích thích tài khóa nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, việc tăng cung hàng hóa tại thị trường nội địa thậm chí có thể phản tác dụng. Bởi việc này gây thêm áp lực lên doanh nghiệp và làm trầm trọng hơn tình trạng giảm phát.


"Tại Trung Quốc, do cạnh tranh quá khốc liệt, biên lợi nhuận rất thấp - đôi khi gần như bằng 0. Điều này có thể khiến một số hãng xuất khẩu phá sản nếu họ chuyển sang thị trường nội địa", He-Ling Shi, giáo sư kinh tế tại Đại học Monash ở Melbourne, nhận định.


Ông cảnh báo nếu doanh nghiệp đóng cửa, người lao động sẽ mất thu nhập. Khi đó, sức mua nội địa sẽ càng suy giảm.


Tháng này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết một trong chiến lược chủ chốt nhằm giảm tác động từ việc Mỹ tăng thuế là hỗ trợ các hãng xuất khẩu tiêu thụ trong nước. Bộ này đã tổ chức nhiều sự kiện "ghép nối" tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu và đảo Hải Nam. Mục tiêu là kết nối các nhà sản xuất với sàn thương mại điện tử, siêu thị và nhà bán lẻ để mở rộng phân phối hàng hóa.


Chính quyền địa phương cũng thành lập các tổ công tác đặc biệt nhằm tìm giải pháp cho những khó khăn doanh nghiệp phản ánh. Các vấn đề doanh nghiệp gặp phải là thiếu hiểu biết về thị trường nội địa, thiếu kinh nghiệm vận hành và mức độ nhận diện thương hiệu thấp.


JD.com - một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - cho biết sẽ ra mắt một quỹ trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (27,35 tỷ USD). Mục tiêu của họ là hỗ trợ các hãng xuất khẩu bán hàng trong nước trong một năm tới. Theo JD.com, gần 3.000 doanh nghiệp đã liên hệ với họ, tương đương 0,4% công ty Trung Quốc có hoạt động thương mại quốc tế. Gã khổng lồ giao hàng Meituan cũng thông báo sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong hoạt động marketing và một số lĩnh vực khác.


Tuy nhiên, Qian cho rằng điều cô thực sự cần là hỗ trợ "về thuế và trợ cấp". Cô cho biết đã mất 30% doanh số vì thuế nhập khẩu của Mỹ và buộc phải cắt giảm nhân sự. "Kịch bản xấu nhất là chúng tôi phải đóng cửa nhà máy", cô nói.


David Lian - Giám đốc một nhà máy sản xuất đồ lót ở miền nam Trung Quốc cho biết thị trường nội địa "rất nhạy cảm với giá, có chi phí khuyến mãi cao và tỷ lệ trả hàng lớn". Ông nói rằng khách nước ngoài thường đặt hàng số lượng lớn. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chủ yếu là bán lẻ và đơn hàng nhỏ. Vì thế, ông đang tìm kiếm khách hàng mới tại Trung Đông, Nga, Trung Á và châu Phi.


Liu - sở hữu một nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng tại thành phố Ninh Ba cho biết nếu muốn đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, bà cần tuyển một đội ngũ nhân sự riêng. "Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ và không đủ nguồn lực cho việc đó", bà nói.


Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến họp trong tháng này. Một trong các nội dung có thể được bàn thảo là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường trong nước.


Giáo sư Shi cho rằng cuộc họp này chủ yếu nhằm thể hiện lập trường cứng rắn và gửi thông điệp phản đối tới Washington. Trong khi đó, các nhà kinh tế lại quan tâm hơn đến các biện pháp kích cầu cụ thể.


Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc năm ngoái đạt 43.200 tỷ nhân dân tệ (5.920 tỷ USD). Con số này cao gấp 11 lần kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ (3.700 tỷ nhân dân tệ).


Julian Evans-Pritchard - nhà phân tích tại Capital Economics ước tính trong trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc mất 2.000 tỷ nhân dân tệ doanh thu từ thị trường Mỹ trong 2 năm tới, thiệt hại có thể được bù đắp nếu tiêu dùng nội địa tăng 4% trong cùng giai đoạn.


Tuy nhiên, ông cho rằng người tiêu dùng sẽ không rút tiền tiết kiệm nếu họ không cảm thấy yên tâm về triển vọng kinh tế. Họ cũng không chi tiêu nhiều hơn trừ phi chính phủ mở rộng các chính sách an sinh xã hội. Ngoài ra, tiền lương cũng phải tăng nhanh. Đây là điều khó xảy ra trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu áp lực thuế.


"Các biện pháp liên quan đến mạng lưới an sinh xã hội, đặc biệt cải cách lương hưu và tài khóa sẽ đóng vai trò then chốt. Các cải cách này đã bị trì hoãn suốt thời gian qua", Minxiong Liao - chuyên gia kinh tế cấp cao tại GlobalData.TS Lombard khu vực châu Á - Thái Bình Dương kết luận.


Hà Thu (theo Reuters)









Hang xuat khau Trung Quoc ngai ban hang trong nuoc


Nhu cau noi dia yeu va cuoc chien gia khoc liet khien nhieu doanh nghiep xuat khau Trung Quoc ngan ngai chuyen huong, du ho dang chiu suc ep thue voi My.

Hãng xuất khẩu Trung Quốc ngại bán hàng trong nước

Nhu cầu nội địa yếu và cuộc chiến giá khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc ngần ngại chuyển hướng, dù họ đang chịu sức ép thuế với Mỹ.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá