Nguyễn Thúy Nhường, 25 tuổi, quê Bắc Ninh, nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi ngành Bác sĩ Y khoa quân sự hồi cuối tháng trước.
Theo thông tư 18 của Bộ Quốc phòng, hiệu lực từ 22/3, học viên tốt nghiệp loại giỏi ngành đào tạo bác sĩ của Học viện Quân y, là "Chiến sĩ thi đua toàn quân", sẽ được phong hàm thượng úy, thay vì trung úy như trước đó.
Nhường là một trong 16 học viên đầu tiên của Học viện đạt các tiêu chí này.
"Mình vinh dự và tự hào", Nhường nói. "Trước đó, mình chưa bao giờ nghĩ có thể trở thành thủ khoa tốt nghiệp".
Nhường là con cả trong nhà có bốn anh chị em, bố mẹ làm nông, kinh tế không mấy khá giả. Ngày còn nhỏ, Nhường hay ốm vặt nên đi viện thường xuyên. Ấn tượng với công việc của các bác sĩ, nữ sinh nuôi mong ước được giúp đỡ người bệnh như cách họ đã giúp mình.
Khi tìm ngành ở đại học, Nhường quyết tâm thi vào Học viện Quân y. Nữ sinh chuyên Toán của trường THPT chuyên Bắc Ninh nhìn nhận môi trường quân đội sẽ giúp rèn tính kỷ luật và đỡ đần chi phí cho gia đình.
Với 27/30 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Nhường là một trong ba nữ sinh trúng tuyển ngành Bác sĩ Y khoa quân sự, bằng tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa).
Vừa nhập học, nữ sinh bỡ ngỡ khi phải tham gia huấn luyện 6 tháng, ở trường Sĩ quan Lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội). Ngày khai giảng, đứng ngay hàng đầu giữa thời tiết mưa nắng thất thường, cô gái cao 1,7m ngã gục xuống đất.
"Sau hôm đó, mình quyết tâm rèn luyện để không bị như vậy nữa", Nhường nói.
Dần dần, Nhường quen với cường độ tập luyện cao. Hàng ngày, nữ sinh thực hiện 11 chế độ, bắt đầu từ 5h15 đến 21h30 với nhiều nhiệm vụ như học tập, tham gia sản xuất, huấn luyện thao trường, đi canh gác... Nhường thấy nhờ đó được rèn luyện sức khỏe, tính kỷ luật, sự tự tin để bước vào 6 năm học chuyên ngành.
Hai năm đầu học các môn đại cương như Toán, Hóa Sinh, Lý Sinh, Nhường không thấy quá nhiều khác biệt so với thời phổ thông. Điểm khác là kiến thức có phần chuyên sâu hơn.
Nhưng đến năm thứ ba, Nhường gặp khó khi vào học các môn cơ sở, không còn chỉ thiên về khối A như trước. Để học tốt, trước mỗi kỳ, Nhường hỏi anh chị khóa trên về những lưu ý hay bí quyết ở từng môn. Thời gian nghỉ hè, nữ sinh tranh thủ xem trước chương trình học.
"Khó khăn nhất với ngành Y là khối lượng kiến thức cần nhớ rất lớn. Cách học tốt nhất là ôn đi ôn lại và chú trọng học lâm sàng để ghi nhớ lâu hơn", Nhường đúc rút.
Nữ sinh kể thường liên hệ lý thuyết với thực hành, ngay trong các buổi học. Nếu vướng mắc, Nhường tìm hiểu từ các anh chị, bác sĩ, điều dưỡng đi trước.
Ngoài ra, Nhường tự trau dồi kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp để có thể tương tác hiệu quả với người bệnh.
"Lần đầu học lâm sàng ở khoa cấp cứu, có bệnh nhân vào viện cần ép tim, mình đã rất bối rối vì chưa biết làm việc này. Những lần như vậy khiến mình quyết tâm học hỏi nhiều hơn", Nhường kể.
Sáng học lâm sàng, chiều học lý thuyết, tối đi gác hoặc trực ở viện, Nhường vẫn sắp xếp thời gian tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động phong trào ở học viện.
Năm 2023, Nhường giành giải nhì Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đề tài của nữ sinh là: "Nghiên cứu biến đổi nồng độ Lactate máu và mối liên quan với tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân suy đa tạng".
Trong hai năm trước đó, Nhường từng giành danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quân", bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị vì thành tích xuất sắc.
Hiện, Nhường chờ nhận phân công công tác sau tốt nghiệp. Thượng úy Nhường mong vừa được làm bác sĩ lâm sàng, vừa tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển của nền y học Việt Nam.
Dương Tâm