Sách ra mắt trong tháng 3, tổng hợp các bài luận, bài viết, quan điểm cá nhân của nhiều tác giả. Bàn cờ mới dẫn dắt người đọc khám phá sự liên hệ giữa AI và quan hệ quốc tế, phân tích tác động của trí tuệ nhân tạo với môi trường đối ngoại và cấu trúc quyền lực. Đồng thời, tác phẩm mở rộng phạm vi thảo luận sang các lĩnh vực như kinh tế, phát triển bền vững và quản trị toàn cầu.
Nhóm tác giả đánh giá những cơ hội công nghệ này mang lại trong việc thúc đẩy tăng trưởng cũng như thách thức mới trong bảo vệ chủ quyền dữ liệu quốc gia và ứng phó với các chiến dịch thao túng thông tin.
Ở bài viết đầu tiên, Thạc sĩ Huỳnh Hồ Đại Nghĩa đưa ra tình huống giả định về một video Deepfake (là ứng dụng của trí tuệ nhân tạo được sử dụng để tạo ra nội dung giả mạo, thường là video hoặc hình ảnh) "tổng thống Mỹ tuyên bố tấn công hạt nhân quốc gia khác". Theo tác giả, một thông tin sai lệch, dù chỉ tồn tại trên không gian số, cũng gây hệ lụy nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định khu vực hoặc xung đột vũ trang. Song, đây vừa là nguyên nhân cũng là "liều thuốc giải" cho những rủi ro hiện hữu. Các hệ thống phân tích và so sánh dữ liệu do mô hình học máy tiên tiến hỗ trợ có thể nhận diện nhanh dấu hiệu giả mạo, giảm thiểu nội dung độc hại.
Trong chương năm, Thạc sĩ Nguyễn Anh Dương đề cập tác động của trí tuệ nhân tạo với thị trường lao động. Chúng ảnh hưởng đến việc làm trong nền kinh tế theo cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Anh bày tỏ lo ngại về tác động xấu của AI tới nhóm người lao động có thu nhập thấp đến trung bình. Tuy nhiên, theo tác giả, công nghệ này thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh.
Các tác giả phân tích những cơ hội và thách thức Việt Nam phải đối mặt, đồng thời gợi ý chính sách để đất nước thực hiện hóa khát vọng trở thành trung tâm AI của khu vực.
Theo Tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng, với khả năng xử lý và phân tích dữ liệu y tế nhanh chóng, công nghệ này có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh sớm, đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Điều này có ý nghĩa với các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao. Ngoài ra, chúng có thể dự đoán, ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh.
Về giáo dục, đây là cơ hội để "cách mạng hóa" phương pháp dạy, học. Bằng cách phân tích dữ liệu về quá trình học tập của học sinh, AI giúp tạo ra chương trình giảng dạy cá nhân hóa, phù hợp nhu cầu và khả năng của từng người. Ngoài ra, giáo viên cũng được hỗ trợ trong việc đánh giá và theo dõi tiến bộ của học sinh, giảm bớt gánh nặng công việc hành chính, cho phép tập trung giảng dạy.
Trong dịch vụ công, trí tuệ nhân tạo mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ người dân, áp dụng trong xử lý thủ tục hành chính làm giảm đáng kể thời gian, tăng độ chính xác và giảm chi phí vận hành.
Tuy nhiên, tác giả cho biết dù có nhiều hứa hẹn, một trong những thách thức đất nước phải đối mặt là khoảng cách về cơ sở hạ tầng. Ông viết: "So với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn còn tụt hậu về hạ tầng số, bao gồm mạng lưới viễn thông, trung tâm dữ liệu và năng lực tính toán hiệu năng cao. Điều này có thể thành rào cản đáng kể trong việc triển khai các ứng dụng AI phức tạp và quy mô lớn, đòi hỏi khả năng xử lý dữ liệu mạnh mẽ và băng thông cao".
Các tác giả cũng nhận định đất nước đang phải đối mặt với nguy cơ "chảy máu chất xám" khi nhiều chuyên gia tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài với mức đãi ngộ và môi trường làm việc hấp dẫn hơn. Thách thức lớn nhất với nước ta trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là nguồn nhân lực, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ nhưng số lượng chuyên gia có trình độ cao về công nghệ này vẫn còn hạn chế.
Sách cung cấp kiến thức về nhiều lĩnh vực, nghiên cứu, tham khảo từ các tài liệu trên thế giới và Việt Nam. Tác giả 10 bài viết là các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nghiên cứu sinh trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, AI như Tiến sĩ Ngô Di Lân (tác giả cuốn 1% mỗi ngày, Canh bạc AI, Trò chơi quyền lực), Phó giáo sư. Tiến sĩ Đỗ Thị Thủy, Thạc sĩ Huỳnh Hồ Đại Nghĩa. Chủ biên Vũ Lê Thái Hoàng là chuyên gia về an ninh toàn cầu và tác động của công nghệ với chính trị quốc tế. Anh có nhiều năm nghiên cứu về AI và vai trò của chúng trong định hình trật tự thế giới, nhất là ở bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc.
Châu Anh