Trả lời:
Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp do hít phải giọt bắn mũi họng từ người bệnh. Đồng thời, mầm bệnh lây thông qua tiếp xúc với dịch bóng nước trên da vỡ ra dính vào các vật dụng như quần áo, bàn ghế, đồ chơi, bát đũa, ly uống nước. Thời gian lây truyền bệnh sẽ bắt đầu khoảng 1-2 ngày trước khi các phát ban xuất hiện và kéo dài khoảng 1 tuần cho đến khi mụn nước khô và đóng mài.
Do đó, bạn vẫn có nguy cơ lây nhiễm nếu chưa từng mắc thủy đậu và chưa chủng ngừa bằng vaccine. Bệnh chỉ hết lây khi tất cả các nốt đóng vảy bắt đầu bong tróc và không có thêm mụn nước mới. Vì vậy, bạn nên theo dõi sức khỏe, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc để nâng cao thể trạng.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra, ngoài trẻ nhỏ, người lớn cũng ghi nhận nhiều ca mắc. Tại Việt Nam, cao điểm của bệnh rơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5.
Triệu chứng của bệnh gồm sốt, phát ban, mụn nước, phồng rộp gây ngứa ngáy, khó chịu. Một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng viêm da bội nhiễm, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, viêm thận, viêm khớp...
Hiện bệnh đã có vaccine phòng ngừa, gồm: Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau một đến ba tháng tùy theo độ tuổi. Hai mũi giúp phòng bệnh lên đến 98%.
Người tiếp xúc với virus thủy đậu có thể tiêm vaccine trong vòng 3-5 ngày kể từ khi tiếp xúc. Trường hợp tiếp xúc đã quá 5 ngày, việc tiêm ngừa vẫn có hiệu quả giảm nguy cơ bệnh nặng và nhiễm thủy đậu trong tương lai. Vì vậy, bạn nên đi tiêm vaccine càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.