Thông tin nêu tại Hội nghị Nhà cung cấp 2025 (Supplier Summit 2025) với chủ đề "Nourishing Future Generations - Nuôi dưỡng thế hệ tương lai" do De Heus Việt Nam tổ chức tại TP HCM, ngày 23/4. Sự kiện quy tụ hơn 100 đối tác chiến lược và nhà cung cấp trong chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm của De Heus.
Sự kiện là diễn đàn chia sẻ định hướng phát triển chuỗi cung ứng bền vững, trách nhiệm xã hội và nâng cao năng lực ngành chăn nuôi tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Johan van den Ban, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam và khu vực châu Á nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các đối tác trong việc xây dựng chuỗi giá trị minh bạch, chất lượng và có trách nhiệm. Ông cho biết, đây là dịp để cùng nhìn lại các mục tiêu và kết quả thực tế trong việc giảm phát thải, thúc đẩy nuôi trồng có trách nhiệm, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong toàn chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp hiện có khoảng 10.000 nhân viên, vận hành 90 nhà máy trên toàn cầu, trong đó có 14 nhà máy tại Việt Nam. Riêng năm 2024, De Heus sản xuất khoảng 3 triệu tấn thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, đóng góp 4,5 triệu tấn tại khu vực Châu Á. Tại khu vực châu Á, công ty có nhà máy ở Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Campuchia và Ấn Độ. Năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu sản xuất đạt 5 triệu tấn thức ăn.
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đơn vị còn thực hiện nhiều dự án chiến lược khác với những hoạt động đa dạng, được định hướng bởi chương trình phát triển bền vững toàn cầu mang tên Responsible Feeding (Chăn nuôi có trách nhiệm). Chương trình Responsible Feeding được thiết kế dựa trên bốn trụ cột bao hàm các hoạt động: Feed for Food (Thức ăn chất lượng cho thực phẩm an toàn), Sustainable Supply Chain (Chuỗi cung ứng bền vững), Fostering Communities (Phát triển cộng đồng) và Thriving Employees (Thúc đẩy nguồn nhân lực).
Lấy phát triển bền vững làm kim chỉ nam, doanh nghiệp nỗ lực giữ cho quá trình sản xuất luôn xanh, sạch và thân thiện với môi trường. Đồng thời công ty đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng nguồn nước, xử lý xả thải và các quy định địa phương.
Phát biểu tại sự kiện, ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, nhấn mạnh thách thức toàn cầu hiện nay là làm sao để sản xuất đủ thực phẩm cho dân số thế giới đang tăng nhanh, dự kiến đạt 9 tỷ người vào năm 2050 - trong khi tài nguyên đất đai và môi trường ngày càng bị áp lực. Theo ông, điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp để vừa tăng sản lượng nông sản, vừa bảo đảm chất lượng thực phẩm, sức khỏe con người và sự bền vững của hành tinh.
Ông đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam, trong đó có De Heus, doanh nghiệp đang tích cực đóng góp vào quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững. De Heus được nhắc đến như một điển hình về việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chú trọng giảm phát thải, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển cộng đồng tại địa phương.
Tại phiên thảo luận về chủ đề "Nuôi dưỡng thế hệ tương lai qua chuỗi cung ứng bền vững", đại diện De Heus gồm bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Phát triển bền vững De Heus Việt Nam và Châu Á, cùng ông Rick Van Der Linden Giám đốc vận hành (COO) Tập đoàn De Heus đã chia sẻ về 7 dự án chủ chốt đang triển khai tại Việt Nam. Các dự án này được thiết kế nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó nổi bật là hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, được lắp đặt tại toàn bộ các cơ sở sản xuất với công suất lên đến 20 MwP.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đẩy mạnh các sáng kiến như nâng cao năng lực trồng bắp tại Tây Nguyên và triển khai giải pháp hỗ trợ trang trại sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, đảm bảo không tồn dư nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công ty tập trung giảm thiểu bao bì nhựa bằng cách ứng dụng hệ thống vận chuyển hàng thay cho bao bì truyền thống. Đại diện doanh nghiệp đánh giá, đây được xem là những bước đi mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong hành trình chuyển đổi bền vững của De Heus tại thị trường Việt Nam.
Các dự án của đơn vị được triển khai song song với nhiều chương trình cộng đồng như: Vững bụng đến trường hỗ trợ dinh dưỡng học sinh vùng cao; chăm sóc mắt cùng ECF; trồng 66.000 cây rừng. Doanh nghiệp cũng hướng đến mục tiêu giảm 42% phát thải khí nhà kính vào 2030, trung hòa carbon tại nhà máy, chuyển đổi xe nâng điện, phát triển lưu trữ năng lượng.
Từ phía cơ quan quản lý, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết ngành chăn nuôi Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Ngành hiện đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ gần 20 triệu lượt khách du lịch. Với hệ thống pháp lý hoàn chỉnh gồm Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, 53 thông tư và 9 nghị định, ông Thắng cho rằng thể chế Việt Nam đang dần tiệm cận với quốc tế.
Ông Dương Tất Thắng cũng gửi đến hội nghị thông điệp: cùng chung tay hướng đến một ngành chăn nuôi bền vững, an toàn thực phẩm, xanh thân thiện với môi trường. Đặc biệt, với chủ đề của diễn đàn De Heus tổ chức là "Nuôi dưỡng thế hệ tương lai", ông Thắng cũng kêu gọi các cộng đồng, doanh nghiệp Việt Nam, FPIFDI cùng chung tay để xây dựng ngành chăn nuôi phát triển bền vững. "Phát triển bền vững mang đậm màu sắc Việt Nam, an sinh xã hội gắn với việc phát triển ngành bền vững. Mong rằng cộng đồng các doanh nghiệp tiếp tục phát triển khoa học công nghệ về giống, thức ăn, thiết bị cùng nhau đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững", ông Dương Tất Thắng nói.
Hoàng Đan