Ngày 24/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức giao lưu Huyền thoại Trường Sơn, gặp mặt nhân chứng lịch sử gồm: Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, vợ thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội - cho biết, chương trình là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Chương trình cũng là lời tri ân gửi tới những người phụ nữ đã góp phần làm nên huyền thoại Trường Sơn.
"Từ dấu mốc 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội và phụ nữ toàn thành phố sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, của Hà Nội anh hùng.
Đồng thời, động viên các tầng lớp phụ nữ hăng hái tham gia xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới", bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.
Tại giao lưu, chia sẻ về việc lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà Nguyễn Thị Hòa - nguyên chính trị viên Đội lái xe, Trưởng Ban liên lạc, Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - kể: "Các chị em ngày xưa bé bỏng, có người chỉ 40kg, lực lượng rất mỏng nhưng nhiệt huyết.
Trong 45 chị em có 40 lái xe, 5 thợ sửa chữa. Chúng tôi được học lái xe trong 45 ngày là ra thực hành. Chị nào giỏi thì 1 người 1 xe, chị nào còn yếu thì 2 người 1 xe. Ngày nghỉ, đêm đi, đường nhiều hố bom nên chúng tôi di chuyển rất vất vả nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao".

Còn bà Bùi Thị Vân - người từng được ví là hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại - cho biết, năm 1965, khi Mỹ đánh phá rất ác liệt, lúc ấy bà mới 16 tuổi.
"Tôi nghĩ phải làm gì đó dù nhỏ bé để đánh Mỹ cứu nước. Thế là tôi trốn bố mẹ, tình nguyện đi thanh niên xung phong. Tôi đi làm đường, làm sân bay, san lấp hố bom. Với sự nỗ lực của mình, năm 1966, tôi được kết nạp Đoàn, năm 1967 tôi được kết nạp Đảng.
Nhận nhiệm vụ, ngoài việc lái xe, chúng tôi còn là người bốc vác. Khi chở thương binh, chúng tôi làm hộ lý dịu hiền để đưa các anh về trạm điều dưỡng. Năm tháng vất vả, nhưng chị em đều quyết tâm và nỗ lực, chúng tôi thường nói công việc này của nam giới nhưng chị em quyết tâm thì cũng gánh vác được…", bà Vân bộc bạch.
Bà Hoàng Thị Kim Vinh - cựu thanh niên xung phong thuộc Đội Thanh niên xung phong Thủ đô - cho biết, năm 1965, khi TP Hà Nội phát động phong trào Thanh niên 3 sẵn sàng, bà đã gửi con mới 2 tuổi cho bố mẹ để lên đường ra trận.
"Những tháng này ở chiến trường rèn luyện bản lĩnh của chúng tôi. Khi đó, dù con còn nhỏ nhưng tôi vẫn quyết tâm ra chiến trường. Sau đó, tôi về đơn vị Thanh niên xung phong đóng quân ở Hà Nội. Không còn chiến tranh phá hoại nữa, chúng tôi trở thành thanh niên xung phong kiến thiết Thủ đô", bà Vinh kể lại.
Chương trình cũng đã diễn ra giao lưu, gặp gỡ Điểm tựa hạnh phúc, với những người vợ kiên cường, mạnh mẽ, điểm tựa của các thương binh nặng trở về từ các chiến trường.
Với nhiều hy sinh thầm lặng, các bà, các chị đã vượt qua khó khăn, vất vả để chăm sóc, động viên chồng vượt qua nỗi đau, di chứng chiến tranh.

Đó là tấm gương của các bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh nặng Lê Đức Thuận, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân; bà Phan Thị Kim Song, vợ thương binh nặng Cao Văn Thành...
Trong thời bình, họ cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình, tiếp tục có đóng góp trân quý cho cộng đồng, viết tiếp bản anh hùng ca thầm lặng, tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong cuộc sống đời thường.