Nhiệt độ tăng cao khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi, dẫn đến mất nước, điện giải, ảnh hưởng đến khớp, khi lớp dịch nhầy có vai trò bôi trơn sụn suy giảm. Dịch khớp ít làm các khớp hoạt động khó khăn, phát ra tiếng kêu lạo xạo, khiến sụn bị mài mòn theo thời gian. Người lớn tuổi, người lao động ngoài trời hoặc có tiền sử thoái hóa khớp dễ bị ảnh hưởng rõ rệt hơn trong mùa nóng.
Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM, cho biết thói quen sử dụng nhiều đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn hoặc uống ít nước cũng góp phần làm khớp bị tổn thương. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học phù hợp với đặc điểm thời tiết mùa hè là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe xương khớp lâu dài.
Thực phẩm giàu omega-3 từ cá hồi, cá thu, cá mòi giúp ức chế phản ứng viêm tại các khớp, góp phần làm chậm quá trình thoái hóa mô sụn - yếu tố quan trọng duy trì chức năng vận động. Ngoài cá, hạt lanh, hạt chia và quả óc chó cũng là nguồn thực vật giàu omega-3, thích hợp với người ăn chay hoặc muốn thay đổi khẩu vị.
Chất chống oxy hóa có nhiều trong súp lơ xanh, cải bó xôi, rau bina góp phần bảo vệ sụn khớp khỏi tác động của gốc tự do. Các loại trái cây như cam, bưởi, kiwi, dâu tây giúp tăng cường sức đề kháng, tổng hợp collagen - thành phần thiết yếu cấu tạo nên sụn và mô liên kết. Ăn rau quả đều đặn trong mùa nóng có thể kiểm soát cân nặng, giảm áp lực lên khớp gối, hông.
Thực phẩm thanh nhiệt như mướp, bí xanh, rau má, rau đay làm mát cơ thể, hỗ trợ chức năng gan, giảm tích tụ độc tố, yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp trong mùa nóng. Đậu xanh, nước dừa và nước râu ngô giải nhiệt giữ nước cho mô sụn, hạn chế khô khớp, cứng khớp vào buổi sáng. Nhóm thực phẩm này thích hợp dùng trong các món canh, nước mát hoặc sinh tố thanh đạm hàng ngày.
Nước hầm từ xương ống, chân gà hoặc da cá cung cấp collagen và gelatin tự nhiên. Đây là hai thành phần then chốt giúp tăng tính đàn hồi cho mô sụn và giảm ma sát giữa các đầu xương. Collagen hỗ trợ tái tạo cấu trúc sụn sau chấn thương và cải thiện độ linh hoạt của khớp trong quá trình vận động. Dùng nước hầm xương đều đặn kết hợp với chế độ ăn nhiều rau xanh sẽ tăng hấp thu collagen, nâng cao hiệu quả bảo vệ sụn khớp.
Gừng chứa gingerol, nghệ có curcumin, có khả năng kháng viêm tự nhiên, làm dịu cảm giác đau cứng sau khi vận động. Tỏi còn hỗ trợ tăng cường miễn dịch và làm chậm quá trình lão hóa của mô sụn, từ đó bảo vệ sức khỏe xương khớp toàn diện.
Các món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói dễ gây kích thích phản ứng viêm mạn tính trong cơ thể. Đường tinh luyện trong bánh kẹo, nước ngọt làm tăng stress oxy hóa và ảnh hưởng đến khả năng tái tạo mô sụn.
Hạn chế thịt đỏ và các loại thịt nhiều đạm động vật bởi chúng làm tăng nồng độ axit uric - nguyên nhân dẫn đến cơn đau khớp cấp tính, nhất là ở người mắc bệnh gout. Các món cay nóng, đồ nướng nhiều gia vị hay thức uống có cồn như rượu, bia cũng được khuyến cáo nên hạn chế, do có thể khiến cơ thể mất nước, giảm hấp thu vi chất, ảnh hưởng tiêu cực đến mật độ xương.
Bác sĩ Tiến khuyên mỗi người nên ưu tiên thực phẩm thanh mát, giàu vi chất và chất chống viêm đồng thời kiểm soát nhóm thực phẩm có thể kích thích phản ứng viêm, giữ cho khớp vận hành trơn tru, linh hoạt. Thường xuyên khám, kiểm tra sức khỏe tổng thể, xương khớp để phòng ngừa hiệu quả, chữa trị kịp thời. Bổ sung tinh chất thiên nhiên đặc hiệu như collagen type 2 không biến tính và collagen peptide thủy phân góp phần điều hòa miễn dịch, duy trì dịch khớp, tái tạo sụn và xương dưới sụn. Eggshell membrane (màng vỏ trứng), turmeric root (tinh chất nghệ), chondroitin sulfate hỗ trợ chống viêm, tăng độ bền khớp, phòng ngừa các bệnh xương khớp.
Đình Diệu
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |