30 năm kinh doanh của doanh nghiệp Việt - Mỹ

Chi phí vận chuyển những lô hàng đầu tiên sang Mỹ quá lớn, thậm chí mất vài chục nghìn USD nếu hàng hỏng, nhưng Chủ tịch Vina T&T Nguyễn Đình Tùng vẫn quyết làm, vì "nếu không chẳng có cơ hội".


Năm 2008, lô thanh long đầu tiên của Việt Nam được đưa sang Mỹ bằng đường hàng không, chỉ vỏn vẹn 2 tấn, nhưng đánh dấu bước ngoặt lớn cho ngành nông nghiệp. Đây là lần đầu trái cây tươi Việt vào được Mỹ, minh chứng nông dân trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật khắt khe của thị trường lớn, "khó tính" nhất.


"Chi phí vận chuyển quá cao, nhưng nếu không làm, chúng tôi chẳng có cơ hội", ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group, người trực tiếp thực hiện lô hàng đầu tiên, nhớ lại.


Sau thành công ban đầu, Vina T&T chuyển sang vận chuyển hàng bằng đường biển để tiết kiệm chi phí. Nhưng đây cũng là lúc những thất bại ập đến, khi trái cây hư hỏng sau hơn một tháng lênh đênh trên biển, hàng bị trả về, thậm chí đổ bỏ. "Một container thanh long hỏng trị giá 30.000 USD. Có lúc tôi tưởng phải dừng lại", ông Tùng nói.


Đến 2015, sau nhiều năm thử nghiệm và đầu tư công nghệ bảo quản hiện đại, doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng sản phẩm trong suốt hành trình dài ngày. Từ đó, xuất khẩu sang Mỹ của Vina T&T ổn định và bắt đầu có lãi.


Tới nay, đều đặn mỗi tuần doanh nghiệp của ông Nguyễn Đình Tùng xuất khẩu 12 container sang nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ dẫn đầu về kim ngạch xuất nông sản Việt vào Mỹ, với 7 loại trái cây như thanh long, nhãn, chôm chôm đến xoài, vú sữa, dừa và bưởi. Năm ngoái, doanh thu thị trường này của Vina T&T đạt 80 triệu USD, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất nông sản của họ.


"Đưa trái cây bay nửa vòng Trái Đất mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên, để người Mỹ quay lại tìm mua - đó là thành quả của cả một hệ sinh thái, từ nông dân đến công nghệ bảo quản, tiêu chuẩn đến niềm tin", ông Tùng chia sẻ.


Khởi đầu suôn sẻ hơn, Phúc Sinh đưa hàng sang Mỹ từ hơn 22 năm trước. "Việc chuẩn bị các lô hàng xuất sang Mỹ khi đó diễn ra nhanh chóng, không tốn quá nhiều thời gian và nguồn lực", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group, kể.


Sản phẩm đầu tiên được Phúc Sinh đưa vào thị trường này là hạt tiêu, khoảng 50 tấn. Suốt 10 năm sau đó, họ là công ty xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất vào Mỹ.


Khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Phúc Sinh đến từ thị trường này, tương đương 50-80 triệu USD mỗi năm. Hạt tiêu vẫn là mặt hàng dẫn đầu, cà phê khoảng 7% doanh thu do Washington nhập khẩu cà phê Việt không nhiều, chủ yếu từ các nước châu Âu.


Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995, nâng cấp thành Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 9/2023. Ba mươi năm qua, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này.


Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng ấn tượng, khoảng 300 lần - từ 450 triệu USD vào 1995 lên gần 150 tỷ USD hiện tại. Không chỉ nông sản, Việt Nam có nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ như máy móc, thiết bị điện tử, giày dép, dệt may, túi xách...


Ở chiều ngược lại, Việt Nam trở thành nơi sản xuất và thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư Mỹ. PepsiCo thành lập năm 1898, là tập đoàn lớn thứ hai thế giới trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, đồ ăn liền. Dây chuyền đầu tiên ở nhà máy Suntory PepsiCo tại Việt Nam vận hành vào tháng 2/1994 - một năm trước khi hai bên bình thường hóa quan hệ. Hơn ba mươi năm qua, tập đoàn này đã rót gần 1 tỷ USD vào Việt Nam, với 7 nhà máy, 8 trung tâm phân phối, tạo ra hơn 15.000 việc làm.


Tại tọa đàm nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt - Mỹ tuần trước, ông Ashish Joshi - Tổng giám đốc điều hành Suntory PepsiCo Việt Nam, nói rằng câu chuyện thành công của họ đã trở thành nguồn cảm hứng thu hút các doanh nghiệp FDI tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.


"Khi kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, sự phát triển của chúng tôi cũng tương tự. Khoảng 90% các nhà cung ứng của chúng tôi là công ty nội địa. Tất cả sản phẩm công ty sản xuất ở Việt Nam là dành cho người tiêu dùng ở đây", ông Ashish Joshi nói.


Mỹ hiện đứng thứ 11 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng khi nhìn vào các công ty Mỹ đang kinh doanh tại đây sẽ thấy "mọi người đổ xô đến vì họ nhận thấy tầm quan trọng của Việt Nam như một thị trường, đối tác, nguồn đổi mới".


"Các bạn có 100 triệu dân, trong đó phần lớn là những người trẻ tuổi, am hiểu công nghệ, trình độ học vấn cao. Tôi nghĩ các công ty Mỹ, doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy tiềm năng, chất lượng thực sự của môi trường kinh doanh tại đây", Đại sứ Marc Knapper nói.


Nói với VnExpress, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ - TP HCM (AmCham) nhận định quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước 30 năm qua là "mạnh mẽ, bền vững và không ngừng phát triển". AmCham khẳng định mối quan hệ này dựa trên lợi ích song phương và cam kết dài hạn, dù còn tồn tại những bất ổn ngắn hạn liên quan đến chính sách thuế quan.


Thời gian qua, Việt Nam và Mỹ đàm phán về chính sách thuế đối ứng. Hai bên cơ bản thống nhất Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng. Việt Nam luôn nhất quán quan điểm sẽ thúc đẩy kinh tế - thương mại song phương theo hướng công bằng và cân bằng, phát triển ổn định, bền vững, vì lợi ích của chính phủ, người dân và doanh nghiệp hai nước.


"Về câu chuyện đàm phán thuế quan, tôi cho rằng cơ bản Việt Nam đang làm tốt. Chúng tôi kỳ vọng và tin là kết quả sẽ tích cực cho cả Việt Nam và Mỹ", TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nói tại cuộc tọa đàm tuần trước.


Theo ông Lực, điểm tích cực là doanh nghiệp Việt đang thích ứng nhanh. Họ đã tìm kiếm, mở rộng một số thị trường và đối tác để đa dạng hóa đầu vào - ra, thay vì ngồi chờ chính sách, kết quả đàm phán. Họ cũng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cơ cấu lại, tích cực tham gia đối thoại giữa hai nước để góp phần đảm bảo kết quả đàm phán khả quan.


"30 năm quan hệ hai nước có những khó khăn nhưng chúng ta đã vượt qua. Do vậy, không lý do gì để chúng ta không thể tiếp tục phát huy điều này", ông Lực nói thêm.


Thực tế, chính sách thuế quan của Mỹ tạo tâm lý dè dặt và phần nào ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Song với kinh nghiệm hơn hai thập kỷ làm việc với thị trường này, Chủ tịch Phúc Sinh Phan Minh Thông đúc kết Mỹ là thị trường đòi hỏi phải "làm lớn". Do vậy, doanh nghiệp muốn tồn tại phải đầu tư hệ thống và tư duy bài bản, vận hành tương thích với quy mô thị trường.


Bên cạnh đó, mỗi bang tại Mỹ có luật lệ, thói quen tiêu dùng và quy định riêng, ông Thông lưu ý doanh nghiệp phải hiểu rõ từng thị phần, khách hàng. "Để chinh phục khách hàng, tinh thần "chịu đi", sẵn sàng học hỏi, tự tin và chủ động là yếu tố tạo nên khác biệt", ông chia sẻ.


Với doanh nghiệp Mỹ, theo kết quả một khảo sát của AmCham vào tháng 6, hơn một phần ba (36%) đơn vị trong hiệp hội cho biết họ "vô cùng lo ngại" về vấn đề thuế quan, trong khi 41% còn lại "tương đối lo ngại". Dù vậy, theo Amcham, phần lớn doanh nghiệp vẫn tin vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai gần, bởi Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, nhu cầu tiêu dùng trong nước, cùng dòng vốn đổ vào hạ tầng là động lực tích cực thúc đẩy đà tăng trưởng trong nước.


"Bất ổn về thuế quan của Mỹ vẫn là mối quan tâm, song AmCham tin vào sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước sẽ đem lại ổn định", đại diện Hiệp hội cho biết. Họ cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam và thắt chặt quan hệ kinh tế Việt - Mỹ thông qua hợp tác, đối thoại chính sách và đầu tư chung vào tương lai phát triển của Việt Nam.


Pepsico là một trong nhà đầu tư Mỹ khẳng định giữ niềm tin vào tăng trưởng của Việt Nam để gia tăng đầu tư. "Năm ngoái, chúng tôi đã khởi công nhà máy thứ 6 tại Long An (nay là tỉnh Tây Ninh). Đây là nhà máy có vốn đầu tư lớn nhất trong 30 năm của chúng tôi tại Việt Nam, tiên tiến nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Ashish Joshi cho biết.


Đại sứ Marc Knapper nói tiềm năng đầu tư trong tương lai là vô hạn, và Việt Nam tiếp tục là nơi rất hấp dẫn để doanh nghiệp Mỹ hoạt động. Ông thừa nhận luôn có những thách thức trong mối quan hệ thương mại, nhưng hai bên giải quyết theo cách tôn trọng và thẳng thắn.


"Đây là cách mà những người bạn và đối tác như Mỹ - Việt Nam hợp tác. Chúng ta làm việc cùng nhau theo cách thúc đẩy lợi ích của cả hai quốc gia", ông Marc Knapper nói.


Phương Dung - Thi Hà - Viễn Thông









30 nam kinh doanh cua doanh nghiep Viet - My


Chi phi van chuyen nhung lo hang dau tien sang My qua lon, tham chi mat vai chuc nghin USD neu hang hong, nhung Chu tich Vina T&T Nguyen Dinh Tung van quyet lam, vi "neu khong chang co co hoi".

30 năm kinh doanh của doanh nghiệp Việt - Mỹ

Chi phí vận chuyển những lô hàng đầu tiên sang Mỹ quá lớn, thậm chí mất vài chục nghìn USD nếu hàng hỏng, nhưng Chủ tịch Vina T&T Nguyễn Đình Tùng vẫn quyết làm, vì "nếu không chẳng có cơ hội".
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá