Trùng tên đường ở TPHCM gia tăng sau sáp nhập, chuyên gia hiến kế giải pháp

Sau khi sáp nhập, tình trạng trùng tên đường gia tăng tại TPHCM gây khó khăn trong quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận tải logistics, cứu hộ cứu nạn...


Chiều 10/7, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 91 về quy chế đặt tên đường, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn.


Tên đường trên 2 tuyến phố trung tâm TPHCM. Ảnh: TK.

Trùng tên đường ở TPHCM tăng mạnh sau sáp nhập


Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt – Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, bối cảnh sáp nhập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TPHCM đã đưa thành phố trở thành đại đô thị lớn nhất nước với quy mô hơn 6.700km² và dân số gần 15 triệu người.


Hiện tại, TPHCM mới chưa có báo cáo công khai chính thức về số lượng tuyến đường trùng tên. Tuy nhiên, qua rà soát, trước khi sáp nhập, TPHCM đã tồn tại hiện tượng trùng tên cục bộ giữa các quận, huyện.


Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt – Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM. Ảnh: TK.

Dẫn chứng số liệu năm 2023, có tới 400 tuyến đường trùng tên hoặc tên không chính xác (nhân vật lịch sử, địa danh), hoặc tên không ý nghĩa, cần sửa đổi. Trong số đó, có những tên trùng nhau ở 2 hoặc nhiều quận, huyện; cá biệt có những tên gọi được đặt cho 5 tuyến đường. Điển hình, đường Chu Văn An có ở quận 6, Tân Phú, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (có 2 đường); đường Nguyễn Trường Tộ có tên ở các quận 4, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức (có 2 đường).


Sau khi sáp nhập phường, xã và TPHCM với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trùng tên đường giữa các xã, phường liền kề đã xảy ra.


Ông Nhựt dẫn chứng đường Nguyễn Văn Trỗi đều có ở quận Phú Nhuận, quận 3 (cũ) và ở phường Dĩ An (Bình Dương cũ); đường Lê Lợi xuất hiện ở phường Sài Gòn, phường Thủ Dầu Một và phường Bà Rịa. Việc trùng tên đường gây ra những khó khăn đáng kể cho công tác quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận hành logistics, cứu hộ cứu nạn, cũng như làm giảm hiệu quả quản lý đô thị thông minh.


Ông Nhựt nêu 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trùng tên đường gia tăng sau ngày 1/7: lịch sử đặt tên đường riêng lẻ, không có điều phối liên tỉnh; đồng bộ GIS (hệ thống thông tin địa lý); quá trình sáp nhập nhanh, khối lượng tên đường lớn, chưa kịp rà soát, thống kê, quy hoạch đặt tên mới toàn diện.


"Hóa giải" nạn trùng tên đường ở đại đô thị TPHCM


PGS. TS Hà Minh Hồng - Hội Khoa học lịch sử TPHCM cho rằng, việc nhiều tuyến đường trùng tên nhau đang gây ra những khó khăn đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, khi đổi tên đường lại kéo theo một hệ lụy lớn hơn, buộc người dân phải thay đổi hàng loạt thông tin cá nhân, gia đình và giấy tờ liên quan đến tài sản. Điều này tạo ra sự xáo trộn và phiền hà không nhỏ trong đời sống sinh hoạt và các thủ tục hành chính.


Để tránh xáo trộn và phiền hà cho người dân, ông Hồng đề xuất giữ tên đường phố trùng nhưng sẽ ghi thêm địa chỉ phường ở phía sau. Ví dụ: đường Phan Văn Trị, phường Chợ Quán; đường Phan Văn Trị, phường An Đông; hay như đường Chu Văn An, phường Thủ Đức; đường Chu Văn An, phường Tăng Nhơn Phú.


Đồng thời, thành phố cần sử dụng nhiều hơn tên nhân vật nổi tiếng, có nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa lớn (ưu tiên tên sự kiện, địa danh) và thêm địa chỉ, có thể thêm số. Ví dụ: đường Dân chủ 1, phường Thủ Đức; đường Dân chủ 2, phường Tăng Nhơn Phú.


Về lâu dài, thành phố nên lập tổ công tác khảo sát số lượng tuyến đường trùng tên theo ba bước:


Tổng hợp dữ liệu tên đường từ Sở Xây dựng ba khu vực TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ).


Lập danh mục toàn bộ tên đường, phân tích trùng lặp bằng phần mềm quản lý hệ thống GIS.


Phân loại theo khu vực, phường/xã, mục đích đặt tên ban đầu, thời điểm đặt tên.


PGS. TS Hà Minh Hồng. Ảnh: TK.

Sau đó, thành phố sẽ thực hiện đổi tên đường trùng lặp một cách đồng bộ, khoa học dựa trên ngân hàng tên đường. "Có thể đặt tên đường bổ sung như Nguyễn Văn Linh - Khu Đông, Nguyễn Văn Linh - Khu Tây hoặc thêm số sau tên bị trùng để phân biệt, tạo thuận lợi cho người dân", ông Hồng hiến kế.


Còn Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt đề xuất, thành phố cần rà soát, lập danh mục các tuyến trùng tên; bổ sung yếu tố định danh địa lý thay vì đổi tên. Điển hình sau khi sáp nhập với Hà Tây năm 2008, Hà Nội từng đặt thêm phường ngắn sau tên trùng lặp như đường Nguyễn Trãi (Hà Đông) và Nguyễn Trãi (Thanh Xuân).


Việc tổ chức đổi tên cần theo lộ trình, có sự đồng thuận và kết hợp chỉnh trang đô thị. Chính quyền cũng có thể áp dụng cách làm của New York (Mỹ) như đặt tên đường kết hợp số thứ tự và tên địa danh, đồng thời bổ sung tên khu vực trong hệ thống địa chỉ.


Gần 40 tên đường ở TP.HCM lâu nay bị đặt sai

Nhiều tên đường như Kha Vạn Cân, Lương Nhữ Học, Trương Quốc Dung, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Văn Tráng… ở TP.HCM bị đặt sai từ nhiều năm qua.


Người giao hàng “bó tay” với tên đường ở TP.HCM Đi cùng một chuyến hàng với người giao hàng là đủ hiểu nỗi khó khăn khi đối mặt với ma trận tên đường tại TP.HCM.