Xây dựng đề án trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ

Chính phủ vừa giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng đề án trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình Thủ tướng trong tháng 9.


Đây là nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược trong giai đoạn tới. Đề án sẽ tập trung thu hút chuyên gia đầu ngành, xây dựng môi trường thuận lợi để nhân tài phát huy năng lực trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới.


Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chính sách thu hút nhân lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Hai bộ sẽ sớm trình nghị định về học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.


Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, chỉ 9% và 12% thí sinh nhập học đại học vào các ngành Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin. Trong khi đó, Phó giáo sư Trần Đình Phong (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) nhận định lực lượng nghiên cứu hiện tại chỉ đáp ứng một nửa mức trung bình của các nước thu nhập trung bình cao.


Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách thu hút và trọng dụng chuyên gia đầu ngành. Các tiêu chí, chế độ đãi ngộ và cơ chế làm việc riêng cho đội ngũ "kiến trúc sư trưởng" của các sáng kiến đột phá quốc gia cần sớm được định hình trong Chiến lược nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050.


Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nhân tài là yếu tố then chốt để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trí tuệ con người chỉ thực sự bộc lộ khi đối diện với những thách thức lớn - và chính "việc lớn" sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút người tài.


Theo ông, lãnh đạo không nên chờ đợi nhân tài xuất hiện mà cần chủ động tìm kiếm, mời gọi và tạo điều kiện để họ đảm đương những nhiệm vụ khó, nhiều kỳ vọng. Để làm được điều đó, nhà nước phải kiến tạo môi trường đủ rộng mở - nơi các mô hình mới được thử nghiệm (sandbox), các ý tưởng sáng tạo được chấp nhận rủi ro, và người tài được tự do thể hiện năng lực.


Thiếu chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư


Theo dự thảo báo cáo giám sát của Quốc hội, Việt Nam đang thiếu vắng các "tổng công trình sư" - những người có vai trò dẫn dắt chiến lược trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghiệp quốc phòng. Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống đào tạo còn nặng tính đại trà, thiếu trường đào tạo tinh hoa, nhiều ngành khoa học cơ bản không thu hút được người học vì đòi hỏi sự hy sinh và ít có cơ hội thăng tiến.


Thống kê cho thấy có tới 30% sinh viên tốt nghiệp đại học không làm việc đúng chuyên ngành. Cơ sở vật chất lạc hậu, đội ngũ nhà giáo hạn chế về chuyên môn, chương trình đào tạo khó chuyển giao theo chuẩn quốc tế cũng là rào cản nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu các doanh nghiệp công nghệ cao quy mô lớn để dẫn dắt thị trường lao động và định hướng đào tạo. Cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, trong khi cơ chế đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người tài.


Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ sớm giao một cơ quan chuyên trách quản lý nhân lực chất lượng cao trong cả khu vực công và ngoài công lập, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực, lựa chọn ngành ưu tiên và dự báo nhu cầu lao động chiến lược.


Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Tạ Văn Hạ, nhà khoa học tài năng không chỉ cần chế độ đãi ngộ mà cần môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, tự do sáng tạo và cơ chế đánh giá công bằng. "Những người làm việc bằng sức của nhiều người nhưng không được đề bạt sẽ mất động lực. Thi đua khen thưởng cũng phải đổi mới để giữ chân nhân tài", ông nói.


Ông Hạ cũng cho rằng cần đổi mới toàn diện trong phát hiện, đào tạo, sử dụng và phát huy người tài - không để họ bị kìm hãm bởi các quy định cứng nhắc hoặc các tiểu tiết hành chính. "Đây là tinh hoa của đất nước, số lượng không nhiều. Nhà nước cần có định hướng rõ ràng để ưu tiên thu hút, trước hết là người Việt Nam trong nước, sau đó đến Việt kiều và chuyên gia quốc tế", ông nhấn mạnh.


Vũ Tuân - Sơn Hà


Góp ý kiến tạoBạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệGửi góp ý







Xay dung de an trong dung nhan tai khoa hoc cong nghe


Chinh phu vua giao Bo Khoa hoc va Cong nghe chu tri xay dung de an trong dung nhan tai, nhan luc chat luong cao cho khoa hoc, cong nghe va doi moi sang tao, trinh Thu tuong trong thang 9.

Xây dựng đề án trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ

Chính phủ vừa giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng đề án trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình Thủ tướng trong tháng 9.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá