Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều nay (3/4), ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, những năm trước, học sinh phổ thông học hết tất cả các môn nên tổ hợp có 3 môn (chẳng hạn trường Y tuyển sinh toán, hóa, sinh).
Các trường có thể tuyển sinh cả tổ hợp toán, hóa, tiếng Anh vào trường Y bởi môn sinh các em chắc chắn đã học ở phổ thông.
Nhưng năm nay hoàn toàn khác, có thể em có thể xét tuyển tổ hợp toán, hóa, tiếng Anh vào đại học nhưng ở phổ thông các em không học môn sinh.
Nếu đăng kí, các em hoàn toàn có thể trúng tuyển nhưng học được hay không lại hoàn toàn khác, bởi có thể ở cấp phổ thông, thí sinh không học môn đó.

"Nhận thấy sự bất cập này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Vụ Giáo dục Đại học có công văn yêu cầu các trường phải rà soát lại.
Theo đó, các trường có quyền tự chủ nhưng với rất nhiều ngành và tổ hợp khác nhau, xét theo nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, các trường phải làm sao đảm bảo độ tin cậy đánh giá đầu vào.
Nếu một phương thức xét tuyển không đánh giá được năng lực cốt lõi của ngành ấy thì phải xem xét lại", Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, giải pháp cho vấn đề này là các trường có thể đưa ra nhiều tổ hợp khác nhau nhưng đồng thời đặt tiêu chí phụ cho ngưỡng đầu vào; chẳng hạn Trường Y xét tuyển tổ hợp toán, hóa, Anh nhưng yêu cầu môn sinh phải được học ở THPT và điểm tổng kết bao nhiêu.
"Điều này cũng sẽ được Bộ đưa ra để áp dụng cho tuyển sinh ở khối ngành Y và ngành sức khỏe trong thời gian tới", Thứ trưởng nói.
Trả lời câu hỏi "làm thế nào để hạn chế việc đạt 30 điểm vẫn không đỗ như năm trước"?, Thứ trưởng Sơn cho hay, quy chế năm nay có đưa ra hai điều để hạn chế việc điểm cao bất hợp lý, trong đó có việc khống chế điểm cộng.
Vì vậy, năm nay sẽ không có chuyện điểm chuẩn bị đẩy lên quá cao và giải quyết căn cơ tình trạng 30 điểm không đỗ.

Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 06/2025 sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, áp dụng từ năm 2025.
Theo đó, từ năm nay, do chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi, Bộ GD&ĐT bỏ giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển đối với mỗi ngành, chương trình đào tạo.
Trước đây, mỗi ngành chỉ được sử dụng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào, quy chế yêu cầu tổ hợp xét tuyển phải có ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó toán hoặc ngữ văn chiếm ít nhất 25% trọng số.
Đặc biệt, từ năm 2026, số môn chung giữa các tổ hợp phải chiếm ít nhất 50% trọng số xét tuyển, đảm bảo tính đồng nhất trong đánh giá năng lực thí sinh.
Với việc mở rộng tổ hợp nên nhiều trường/ngành truyền thống tuyển sinh bằng tổ hợp lạ, gây lo lắng về chất lượng đào tạo, chẳng hạn trường Y nhưng không xét tuyển cả môn hóa, sinh...
Nhiều trường thuộc khối ngành sức khỏe tuyển sinh các tổ hợp văn, toán, địa; toán, văn, Anh (Khối ngành Sức khỏe, Trường ĐH Hòa Bình).
Thậm chí thí sinh muốn vào Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột có thể đăng ký xét tuyển bằng toán, lý, công nghệ....
Nhiều chuyên gia cho rằng, mở rộng tổ hợp như vậy giúp các trường đại học thu hút thêm thí sinh, đặc biệt là thí sinh có thế mạnh ở các môn khác nhau. Ví dụ ngành kinh tế mở rộng từ tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) sang D01 (toán, văn, tiếng Anh) để thu hút thí sinh giỏi tiếng Anh.
Qua đó, cũng tăng cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu cho các trường đại học, nhất là các trường ở địa phương sẽ có nhiều cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu hơn.
Đặc biệt, việc mở rộng tổ hợp xét tuyển cũng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, nơi học sinh được tự chọn môn học.
Thí sinh có nhiều sự lựa chọn tổ hợp, không bị bó hẹp trong nhóm môn cố định, có thể chọn tổ hợp phù hợp với khả năng và sở trường cá nhân. Đồng thời, điều này cũng giúp các em linh hoạt hơn trong định hướng nghề nghiệp, không phải học lại nếu đã học môn ngoài tổ hợp truyền thống.
Tuy nhiên, một số chuyên gia băn khoăn khi mở rộng tổ hợp. Các tổ hợp phải phản ánh đúng năng lực yêu cầu của ngành học, đặc biệt đối với các ngành cần kiến thức nền tảng vững như y dược, kiến trúc, kỹ thuật,....