Chốt phiên giao dịch 3/4, Wall Street ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, khi nhà đầu tư lo thuế đối ứng của Mỹ gây ra cuộc chiến thương mại và suy thoái toàn cầu. DJIA giảm 1.682 điểm, tương đương 4%. S&P 500 mất 4,85%. Đi xuống mạnh nhất là Nasdaq Composite với 6%.
Thị trường tiếp tục lao dốc khi Trung Quốc áp thuế 34% trả đũa thuế đối ứng Mỹ đưa ra cách đây hai ngày. Ở phiên 4/4, chỉ số DJIA hiện giảm 1.130 điểm, tương đương 2,8%. S&P 500 mất 3,2%. Nasdaq Composite giảm mạnh nhất với 3,5%, do nhiều công ty công nghệ trong chỉ số này có hiện diện lớn tại Trung Quốc.
Nasdaq Composite tiến gần thị trường giá xuống, khi giảm khoảng 20% so với đỉnh tháng 12. Chỉ số S&P 500 cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi đã giảm 15% từ đỉnh.
Đây không phải lần đầu tiên thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Phiên 10/3, các chỉ số chính cũng giảm mạnh nhất 18 tháng, sau khi ông Trump từ chối bình luận về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái.
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã mất 10%. Vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 3.000 tỷ USD. Đây là khởi đầu tệ nhất của một Tổng thống kể từ thời ông George W. Bush năm 2001 - sau khi bong bóng dotcom vỡ vụn, theo số liệu của Bloomberg.
Diễn biến này đi ngược với sự hào hứng ban đầu của thị trường sau khi ông Trump tái đắc cử. Chỉ số S&P tăng 2,5% trong phiên ngay sau ngày bầu cử tại Mỹ.
Tình hình hiện tại cũng trái ngược với nhiệm kỳ đầu của Trump. Khi ấy, S&P 500 liên tiếp đi lên trong 40 ngày đầu và tăng tổng cộng 70% trong cả nhiệm kỳ. Nhưng hiện tại, chỉ số này vẫn trong xu hướng giảm, theo thống kê của hãng dữ liệu FactSet.
"Chúng ta đang chứng kiến thị trường phản ứng mạnh đến mức nào trước việc mọi thứ có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Nhà đầu tư đang phải phán đoán điều gì là chắc chắn và không", Brian Mulberry - Giám đốc Danh mục Đầu tư tại Zacks Investment Management cho biết trên Bloomberg.
Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Mỹ có diễn biến gây thất vọng. Nhà đầu tư gần đây ngày càng cho rằng Mỹ đang hướng đến suy thoái. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là quốc gia tiêu dùng và điều này đang bị đe dọa bởi các chính sách mới của Nhà Trắng. Họ lo ngại thuế nhập khẩu của ông Trump có thể gây gián đoạn thương mại toàn cầu và khiến các đồng minh xa lánh Washington.
Cuối tháng trước, ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo về khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới, từ 20% lên 35%. Đây là lần thứ 2 trong vòng một tháng họ làm điều này. Brett Ryan - nhà kinh tế học tại Deutsche Bank cũng cho rằng "thuế đối ứng có thể khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm 1-1,5% năm nay, đồng nghĩa rủi ro suy thoái ngày càng rõ nét".
"Sự tập trung hiện tại đều dồn vào quy mô của thuế nhập khẩu lớn đến mức nào, bao giờ thì áp dụng và kéo dài bao lâu", Rob Haworth - Giám đốc Chiến lược đầu tư tại U.S. Bank Asset Management Group cho biết. Ông nhận định trong nhiệm kỳ đầu tiên, thuế nhập khẩu của ông Trump có quy mô nhỏ hơn và thời gian áp dụng ngắn hơn nhiều.
"Thị trường đang rơi vào vòng xoáy đi xuống. Chúng tôi cho rằng biến động còn tiếp diễn đến khi mọi thứ rõ ràng hơn", Terry Sandven - chiến lược gia cổ phiếu tại U.S. Bank Asset Management Group dự báo.
Một nguyên nhân khác khiến Wall Street đỏ lửa là quan điểm của ông Trump về thị trường chứng khoán đã thay đổi. Trước đây, Trump coi diễn biến tại Wall Street là thước đo thành công. Tháng 1/2024, ông còn từng dự báo chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Joe Biden.
Nhưng lần này, Tổng thống Mỹ khẳng định "muốn xây dựng một đất nước vững mạnh" và "thực sự không thể chỉ quan tâm đến thị trường chứng khoán".
"Dĩ nhiên, không nhiều nhà đầu tư dự báo được việc này. Cú sốc từ sự thay đổi thái độ của ông Trump khiến nhiều người lo sợ", Jim Cramer nhà đầu tư kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng giải thích trên CNBC. Cũng như cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Trump "dường như nghĩ rằng các nhà đầu tư chứng khoán thường là nhóm giàu có và đã kiếm lời đủ".
Cramer cho biết lần này Tổng thống Mỹ ủng hộ các ý tưởng mang tính bảo hộ hơn. Sự tập trung của ông cũng dồn vào thuế nhập khẩu và không ưu tiên thị trường chứng khoán như trước đây.
Rob Haworth - chiến lược gia cấp cao tại U.S. Bank Asset Management Group cũng cho rằng dựa trên các phát biểu gần đây, "Tổng thống Trump không quan tâm đến chứng khoán như nhà đầu tư kỳ vọng".
Từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump khẳng định thuế nhập khẩu sẽ mang việc làm và sản xuất về Mỹ. Ông cam kết đưa Mỹ đến "thời kỳ hoàng kim". Tuy nhiên hiện tại, chính các doanh nghiệp nước này lại chịu thiệt hại lớn từ các chính sách của tổng thống.
Trong phiên giao dịch 4/4, nhóm bán dẫn hiện bị bán tháo mạnh nhất. Marvell Technology giảm 9,5%. Micron mất 7,6%. AMD, Qualcomm, Broadcom, Intel và Nvidia sụt 4-6%. Nvidia đang xây nhiều nhà máy chip mới tại Đài Loan. Chuỗi cung ứng của hãng này cũng phụ thuộc vào hoạt động lắp ráp tại Mexico.
Tương tự, nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ và trang phục thể thao cũng chìm trong sắc đỏ. Nike mất 5%, Deckers Outdoor giảm 6,5%. Ralph Lauren and Capri Holdings mất 5%. Chuỗi cung ứng của các "ông lớn" công nghệ hay bán lẻ có điểm chung là đều phụ thuộc vào nguồn cung châu Á, trong đó có Trung Quốc hoặc nước láng giềng, như Mexico.
Nhóm cổ phiếu doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng không thoát tình hình chung. Alibaba và JD cùng mất hơn 9%. PDD - công ty mẹ Temu, Baidu và NetEase giảm 5-7%.
Theo công bố của Mỹ, hàng từ Trung Quốc hiện chịu thuế tổng cộng 54%, Việt Nam bị áp 46%, Campuchia 49% và Indonesia 32%.
Đầu tháng này, các nhà nghiên cứu tại Goldman Sachs Group, Societe Generale và Yardeni Research đã hạ dự báo cho chỉ số S&P 500 năm nay. Với Goldman và Yardeni, đây là lần thứ hai chỉ trong chưa đầy một tháng.
Yardeni cho rằng S&P 500 chốt cuối năm nay ở mốc 6.000 điểm, giảm từ dự báo 6.400 trước đó. Goldman giảm từ 6.200 về 5.700 điểm. Còn Societe Generale hạ mục tiêu từ 6.750 về 6.400 điểm. David Kostin - trưởng nhóm nghiên cứu tại Goldman Sachs cho rằng nguyên nhân chủ yếu là chính sách thuế nhập khẩu của ông Trump nghiêm trọng hơn dự báo của họ.
Dù vậy, mức dự báo của họ cho thấy S&P 500 vẫn sẽ tăng điểm năm nay. Chỉ số này khởi đầu năm ở mức 5.800 điểm.
"Chúng tôi kỳ vọng sự tự tin sẽ quay lại vào cuối năm. Sang quý II, S&P 500 có thể tăng, nếu diễn biến như cuộc chiến thương mại năm 2018", các nhà phân tích tại Societe Generale nhận định.
Hà Thu (tổng hợp)