Ngày 4/4, Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước (WATEC), đã xuất khẩu lô sản phẩm 5 tháp báo lũ thông minh đầu tiên sang thị trường Philippines, quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về địa hình và thách thức thiên tai.
Vị trí lắp đặt tháp báo lũ tại thành phố Pasay, cách trung tâm Manila khoảng 8 km. Thành phố này có mật độ dân cư đông, với khoảng 440.000 dân (năm 2020) trong khi diện tích chỉ có 19 km2. Nơi đây có sân bay quốc tế, trung tâm văn hóa, trung tâm hội nghị quốc tế Philippines, nhiều nhà hàng, câu lạc bộ, vũ trường...
Tháp cao 3 m làm bằng thép không rỉ, bên ngoài kẻ thước mực nước bằng sơn phản quang, phía trên có đèn xoay tự động sử dụng năng lượng mặt trời, phát sáng khi độ sâu ngập lụt vượt ngưỡng; bên trong gắn cảm biến đo mực nước kết nối với thiết bị datalogger được một công ty Nhật Bản thiết kế riêng cho tháp báo lũ.
"Người sử dụng có thể truy cập dữ liệu trên nền tảng máy tính, điện thông minh để biết mực nước ngập theo thời gian thực. Hoặc khi mực nước ngập đến mức cảnh báo, hệ thống phát đèn tín hiệu và gửi tin nhắn cảnh báo đến các nền tảng thông minh", ông Văn Phú Chính, Chủ tịch HĐQT WATEC nói.
Khi xuất sang Philippines, công ty đã viết lại tất cả phần mềm cho đối tác bằng tiếng Anh, in kèm tài liệu sử dụng và đĩa CD để hướng dẫn sử dụng.
Lô hàng này được đóng trong kiện gỗ, xuất qua cảng biển Tiên Sa. Ông Chính cho biết, đây là lô sản phẩm Tháp báo lũ thông minh đầu tiên của công ty xuất khẩu ra nước ngoài, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình đưa giải pháp công nghệ Việt ra khu vực và thế giới.
Tại Việt Nam, công ty đã lắp đặt và đưa vảo sử dụng 125 tháp báo lũ thông minh và trạm giám sát ngập lụt đô thị tại 16 tỉnh, thành phục vụ việc chỉ đạo, điều hành ứng phó với ngập lụt, đồng thời kết nối, chia sẻ dữ liệu trên các nền tảng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của các địa phương để phục vụ người dân.
Với mô hình tháp báo lũ thông minh, hệ thống Vfass sử dụng công nghệ đo Radar công nghiệp kết hợp với thuật toán lọc nhiễu Kalman cho phép đo mực nước ngập trong tháp một cách chính xác từ vài cm lên đến vài mét, phù hợp đo mực nước ngập khu vực dân cư và thành thị.
"Đây là giải pháp kỹ thuật đột phá trong quan trắc độ ngập. Không chỉ cảnh báo, giám sát tự động mà hệ thống này còn tạo ra nguồn dữ liệu quan trọng. Sau này khi lắp đặt nhiều trạm, qua nhiều năm sẽ có dữ liệu để tính toán dự báo ngập lụt hoặc sử dụng dữ liệu để phục vụ quy hoạch đô thị", ông Chính nói thêm.
Nguyễn Đông