Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh vừa chủ trì hội đồng thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) đối với 8 tội danh.
Cụ thể gồm các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật Hình sự); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước đồng tình với chủ trương loại bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án đối với một số tội danh được nêu trong dự thảo.
Tuy nhiên, theo vị này, cần cân nhắc toàn diện hơn dựa trên cả lý luận và thực tiễn đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nếu loại bỏ hình phạt tử hình sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thực tế, nhiều trường hợp không đủ cơ sở để truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy, mà chỉ có thể xử lý dưới tội danh vận chuyển trái phép. Nếu bỏ tử hình, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị xem xét kỹ hình phạt thay thế có đủ sức răn đe và đáp ứng yêu cầu thực tiễn không?
Hơn nữa, việc bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô và nhận hối lộ cũng cần được đặt ra trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
"Nếu thay thế bằng tù chung thân không xét giảm, thì về lâu dài sẽ khó đạt được mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng, vì hình phạt không còn đủ áp lực buộc người phạm tội hợp tác", đại diện Văn phòng Chủ tịch nước phân tích.
Trong khi đó, đại diện VKSND Tối cao đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, bởi thực tế đã và đang chứng kiến những vụ án vận chuyển ma túy số lượng rất lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Mới đây nhất, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất 1,4 tấn ma túy tổng hợp, trị giá khoảng 1.400 tỷ đồng ở TP Nha Trang, Khánh Hòa.
"Nếu chúng ta không giữ lại hình phạt tử hình cho hành vi vận chuyển ma túy với quy mô lớn như vậy thì tính răn đe sẽ không đủ mạnh, nhất là khi số lượng các vụ án ma túy lớn đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, trở thành mối đe dọa trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia", đại diện VKSND Tối cao phân tích.
Đề xuất bỏ tử hình với tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ cũng không nhận được sự đồng tình từ phía VKSND Tối cao.
"Nếu loại bỏ hình phạt tử hình vào thời điểm hiện nay, e rằng sẽ khiến xã hội hiểu lầm rằng công cuộc chống tham nhũng đang "giảm nhiệt" hoặc dừng lại. Sức răn đe của mức án cao nhất không chỉ thể hiện ở sự nghiêm khắc về pháp lý mà còn tạo ra áp lực buộc các đối tượng phải chủ động khắc phục hậu quả, đặc biệt trong việc nộp lại tài sản tham nhũng", đại diện VKSND Tối cao nêu quan điểm.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh việc giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng các hình phạt thay thế như phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm là nguyên tắc xuyên suốt trong tư duy lập pháp hiện đại.
Bà Oanh nói điều này đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản quan trọng của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, nghị quyết của Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và nhiều chỉ thị khác của Đảng, Nhà nước.
Đối với 3 tội danh mà Bộ Công an đề xuất bổ sung vào danh sách bỏ hình phạt tử hình (Gián điệp; Tham ô tài sản và Nhận hối lộ), bà Oanh đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo bà Oanh, hai tội danh Tham ô tài sản và Nhận hối lộ có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay của Đảng và Nhà nước. Những quy định nghiêm khắc hiện nay, trong đó có tử hình, đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Nếu xem xét bỏ án tử hình với các tội danh đó, Thứ trưởng Tư pháp yêu cầu cơ quan soạn thảo cần có kế hoạch truyền thông, phổ biến chính sách thật kỹ lưỡng, tránh gây ra phản ứng trái chiều trong xã hội.

Với đề xuất phạt tù chung thân không xét giảm án, lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ rõ pháp luật hiện hành vẫn có quy định về ân giảm và việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước - chủ yếu áp dụng với các trường hợp đặc xá, đại xá.
"Việc đưa thêm hình phạt là tù chung thân không xét giảm án có thể dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành", bà Oanh phân tích.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều; so với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bổ sung 6 điều, bỏ 18 điều.
Bộ Công an dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10 tới.