Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21/4, khép lại hành trình trọn đời cống hiến cho Giáo hội và thế giới. Tuy nhiên, những hình ảnh và thông điệp cuối đời của ông vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt với giới trẻ. Các chuyên gia nhận định, sự yếu đuối là một phần tự nhiên của con người, cần được đón nhận chủ động.
Theo tiến sĩ Luana Marques, giảng viên tâm thần học tại Trường Y Harvard, việc thừa nhận điểm yếu một cách công khai giúp giảm bớt sự xấu hổ, tạo môi trường khuyến khích kết nối xã hội, từ đó cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần. Việc chấp nhận và thể hiện các cảm xúc như yếu đuối, buồn bã hay khoảnh khắc không khỏe mạnh đem lại lợi ích lớn về mặt tinh thần, giảm áp lực tâm lý và tăng cảm giác kết nối.
Không lâu trước khi qua đời, Giáo hoàng đã xuất hiện từ ban công bệnh viện Gemelli ở Rome sau 5 tuần điều trị viêm phổi. Ông khó giơ tay ban phước, thở dốc, gương mặt phù nề, đôi mắt trũng sâu. Những hình ảnh này khiến nhiều người xúc động.
Nhiều nhà lãnh đạo trong quá khứ từng cố gắng che giấu bệnh của mình. Hoàng đế Wilhelm II của Đức giấu cánh tay bị tật, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt tránh để lộ việc ngồi xe lăn. Cựu Tổng thống Joe Biden đối mặt với các nghi ngại về sức khỏe và nhận thức. Giáo hoàng Francis lựa chọn con đường ngược lại. Thay vì che giấu tình trạng sức khỏe, ông chấp nhận nó một cách công khai.
"Ông biết cuộc đời sẽ kết thúc. Tôi thấy ông ấy đang sống trọn vẹn từng ngày. Ông ấy muốn tiếp tục làm điều mình làm tốt nhất", tiến sĩ S. Jay Olshansky, chuyên gia lão khoa tại Đại học Illinois nhận xét. Ông cũng nhấn mạnh, việc công khai sự suy giảm thể chất có thể giúp người cao tuổi thấy được chấp nhận và giảm cảm giác cô lập, từ đó cải thiện sức khỏe tâm thần.
Ngay cả khi sức khỏe yếu đi rõ rệt, Giáo hoàng 88 tuổi vẫn tiếp tục điều hành công việc từ bệnh viện. Theo Olshansky, ông là đại diện cho thế hệ người cao tuổi vẫn giữ vai trò tích cực trong xã hội, minh chứng cho khái niệm "trí tuệ kết tinh" - sự hiểu biết và kinh nghiệm tích lũy theo năm tháng.
Tổng giám mục Vincenzo Paglia cho rằng chính sự yếu đuối đã củng cố thông điệp hòa nhập của Giáo hoàng.
"Sự yếu đuối không nên bị loại trừ. Ngược lại, nó là một phần cốt lõi trong nhân tính, hoàn toàn trái ngược với văn hóa chạy theo hiệu suất", ông nói.
Trước đó, trong một buổi cầu nguyện, Giáo hoàng từng viết: "Bản thân tôi cũng đang trải qua một quá trình chữa lành, cả về tâm hồn lẫn thể xác". Đây là tuần thứ 7 liên tiếp ông không thể trực tiếp ban phước từ cửa sổ nhìn ra Quảng trường Thánh Peter như thường lệ.
"Giáo hội không phải là một công ty hay một quốc gia, mà là một gia đình. Và trong gia đình đó, một người vẫn có thể lãnh đạo ngay cả khi họ yếu đuối. Đây cũng là bài học cho người trẻ, rằng họ cũng dễ tổn thương và không nên phủ nhận điều đó", Paglia nói.
Trong hội nghị thượng đỉnh về tuổi thọ tại Vatican gần đây, Paglia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi cách nhìn về người cao tuổi.
"20-30 năm tuổi già cần phải có ý nghĩa văn hóa, tinh thần, chứ không chỉ là thời gian chờ đợi kết thúc", ông phát biểu.
Tiến sĩ Francesco Vaia, người ủng hộ quyền của người khuyết tật và là chuyên gia y tế cộng đồng tại Italy, cho biết thông điệp từ Giáo hoàng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng.
"Không chỉ sống lâu, người cao tuổi cần một cuộc sống có chất lượng. Một xã hội hòa nhập là nơi không ai bị gạt ra ngoài vì sức khỏe hay tuổi tác", ông nói.
Tiến sĩ Vaia đánh giá cao tác động của việc công khai hình ảnh Giáo hoàng đeo ống thở mũi khi xuất viện, cho rằng đây là thông điệp mạnh mẽ đối với cộng đồng người bệnh và người cao tuổi. Theo ông, hành động này giúp phá vỡ định kiến xã hội, vì mọi người không nên cảm thấy xấu hổ khi cần đến thiết bị y tế hỗ trợ. Ông nhấn mạnh, sự thừa nhận công khai có thể giảm cảm giác tự ti và hỗ trợ tích cực cho sức khỏe tâm thần.
Trước Francis, Giáo hoàng John Paul II cũng từng được ca ngợi vì không che giấu căn bệnh Parkinson. Tuy nhiên, Vatican khi đó vẫn cố gắng hạn chế công khai bệnh của ông. Ông không xuất hiện trên xe lăn, chỉ được đẩy trên ghế gỗ có bánh xe hoặc bục di động.
Ngược lại, Francis thường xuyên ngồi xe lăn, được nâng lên ghế để cử hành Thánh lễ. Ngay cả khi nằm viện, ông vẫn phát đi thông điệp với giọng nói yếu ớt. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần khẳng định, chấp nhận bản thân và chia sẻ khó khăn là bước đầu giúp giảm lo âu, chống trầm cảm và tăng cảm giác được kết nối với cộng đồng.
Thục Linh (Theo Columbian)