Eximbank đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất nửa thập kỷ

Tăng trưởng tín dụng Eximbank cao nhất nửa thập kỷ, tăng gần 20%, ở mức cao so với toàn ngành ngân hàng năm 2024 (15%).


Lợi nhuận trước thuế của Eximbank cũng lần đầu đạt ngưỡng 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước. Đây là mức kỷ lục trong suốt 35 năm qua của nhà băng. Xét về giá trị tuyệt đối, lợi nhuận của ngân hàng vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng tốc độ tăng trưởng cao cùng chỉ số tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) có xu hướng tăng nhanh.


Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Eximbank tăng 19% đạt mức 239.768 tỷ đồng, huy động vốn đạt 178.312 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm trước. Dư nợ cấp tín dụng tăng 27.706 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm khi vượt mốc 168.230 tỷ đồng, tương ứng tăng 19,7% so với đầu năm.


Song song, tín dụng của Eximbank tiếp tục chảy vào các phân khúc, lĩnh vực trọng tâm của ngân hàng, gồm ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp SME, hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI phù hợp với định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.


Trong năm 2024, Eximbank được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 18.688 tỷ đồng. Đây là bước tiến quan trọng giúp đơn vị củng cố năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn theo thông lệ quốc tế.


Eximbank đã kiểm soát được các chỉ số an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn luôn duy trì quanh mức 24% - 25%, thấp hơn so với mức giới hạn quy định là tối đa 30%.


Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động của Eximbank (LDR) cũng duy trì quanh mức 82% - 84% so với quy định (85%); đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn CAR dao động quanh ngưỡng 12% đến 13%, cao hơn mức quy định (8%).


Báo cáo tài chính của Eximbank cũng ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt mức 8.556 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần là 5.923 tỷ đồng, tăng 28,8%. Hai nhân tố tăng trưởng mạnh gồm: lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vượt 1.080 tỷ đồng, tăng 110,1%; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 38,7% lên mức 674 tỷ đồng.


Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động khác cũng đạt 947 tỷ đồng, cao hơn 13,4% so với 2023. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Eximbank là 165 tỷ đồng, tăng 55,4% so với năm trước, trong đó dịch vụ thẻ đạt 1.026 tỷ đồng (tăng 13%); dịch vụ đại lý bảo hiểm và các phí hỗ trợ liên quan là 754 tỷ đồng (tăng 399%); dịch vụ thanh toán và ngân quỹ là 261 tỷ đồng; các dịch vụ khác là 122 tỷ đồng.


"Việc phân phối bảo hiểm tăng trưởng mạnh đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng", đại diện đơn vị khẳng định.


Bên cạnh tăng trưởng tín dụng , biên lãi thuần (NIM) của Eximbank có sự cải thiện nhẹ. Thay vì tăng lãi suất đầu ra, ngân hàng đã chủ động cơ cấu lại cấu trúc tài sản và nguồn vốn, từ đó, kiểm soát được chi phí vốn hiệu quả (COF). Kết quả, chỉ số này cải thiện qua từng quý và đạt 2.8% tính đến cuối năm 2024.


Trong năm này, Eximbank cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 969 tỷ đồng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đạt mức 729 tỷ đồng.


Chất lượng nợ xấu của ngân hàng cũng được cải thiện. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 2,53%, giảm 12% so với năm trước. Nợ nhóm 2 duy trì ổn định quanh mức 1%. Với việc liên tục đẩy mạnh trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu trong những năm qua, ban lãnh đạo Eximbank kỳ vọng tỷ lệ này có thể giảm xuống 1,99% trong năm nay.


Để kiểm soát tốt chi phí vốn, Eximbank đã tăng cường điều tiết nguồn vốn huy động giữa các kỳ hạn, kết hợp đẩy mạnh tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Theo thống kê của Eximbank, đơn vị có lượng tiền gửi không kỳ hạn bằng VND và ngoại tệ đạt mức 22.700 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13.6% lượng tiền gửi của khách hàng tại đây. Quy mô CASA bình quân tăng trưởng 24,8% so với năm 2023.


Ngoài ra, trong năm 2024, ngân hàng kiểm soát chi phí hoạt động, làm cơ sở giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân. Chi phí hoạt động của Eximbank chỉ tăng 8,2% so với năm trước. Kiểm soát tốt chi phí hoạt động đã kéo tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) xuống 31,79%, giảm mạnh so với mức hơn 40% của năm 2023.


"Điều này thể hiện Eximbank quản lý chi phí hoạt động tốt hơn, góp phần đưa hiệu quả hoạt động tổng thể tốt hơn. Eximbank đầu tư lớn cho chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào vận hành các dịch vụ ngân hàng số, quản trị, nâng cao năng suất lao động và tối ưu nguồn lực", đại diện Eximbank chia sẻ thêm.


Trong thời gian tới, Eximbank xác định chiến lược tăng trưởng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng theo hướng "Bền vững - An toàn - Hiệu quả". Trong đó, đơn vị cải thiện NIM thông qua đẩy mạnh phân khúc ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường khai thác hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI, gia tăng CASA, nguồn vốn có chi phí thấp từ tổ chức kinh tế, dân cư.


Ban tổng giám đốc Eximbank cũng cống bố kế hoạch kinh doanh năm 2025, đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10,7%, tức lên 265.500 tỷ đồng; huy động vốn 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến cao hơn 16,2%, chạm mức 195.500 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là đạt 5.188 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với năm 2024.


Nhật Lệ









Eximbank dat muc tang truong tin dung cao nhat nua thap ky


Tang truong tin dung Eximbank cao nhat nua thap ky, tang gan 20%, o muc cao so voi toan nganh ngan hang nam 2024 (15%).

Eximbank đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất nửa thập kỷ

Tăng trưởng tín dụng Eximbank cao nhất nửa thập kỷ, tăng gần 20%, ở mức cao so với toàn ngành ngân hàng năm 2024 (15%).
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá