Toàn dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí từ năm 2026

Từ năm 2026, người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất một lần mỗi năm, theo dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị đang được xây dựng.


Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Thành Long chiều 8/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nêu rõ chính sách khám sức khỏe định kỳ hoặc sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí cho toàn dân từ năm sau.


Dự thảo đặt mục tiêu giai đoạn 2025–2030 mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở; giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người dân cho y tế xuống còn 30%. Mỗi người dân sẽ được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý suốt vòng đời.


Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam hướng tới các chỉ số sức khỏe và độ bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu tương đương các nước phát triển. Tuổi thọ trung bình dự kiến đạt hơn 80 tuổi, số năm sống khỏe tăng lên; chiều cao trung bình của thanh niên tiệm cận mức trung bình các nước phát triển.


Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, hệ thống y tế đang đối mặt nhiều thách thức như gánh nặng kép bệnh tật, gia tăng bệnh không lây nhiễm, dân số già hóa. Những "nút thắt" về thể chế, tài chính, nhân lực, năng lực y tế cơ sở, tự chủ cung ứng thuốc và thiết bị y tế vẫn là rào cản lớn cần tháo gỡ. Nghị quyết lần này được kỳ vọng sẽ tập trung vào các điểm nghẽn để tạo đột phá, khắc phục tình trạng "chính sách tốt nhưng triển khai yếu".


Góp ý dự thảo, GS Nguyễn Anh Trí đề xuất đầu tư các trung tâm y tế chuyên sâu và đào tạo bác sĩ nội trú theo hướng tinh hoa, chất lượng đặc biệt cao. Ông cũng cho rằng cần tạo điều kiện để y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.


GS Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, kiến nghị chính sách ưu đãi về đất đai và thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào y tế vùng sâu. "Nếu có chính sách tốt, chúng tôi sẵn sàng xây thêm hai bệnh viện ở miền núi", ông nói.


Phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc nêu hai bất cập chính là thiếu nhân lực và hạ tầng, trang thiết bị hạn chế. Ông cho rằng nghề y cần chính sách đãi ngộ đặc biệt, thay vì tiền lương cơ bản như các ngành khác.


Phó thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh dự thảo cần đưa ra giải pháp cụ thể, gắn với điều kiện triển khai khả thi, không dừng lại ở tầm nhìn chung chung. Ông đề nghị xây dựng tiêu chí sức khỏe trong hoạch định chính sách, làm rõ đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, chế độ lương và đãi ngộ, kèm số liệu cụ thể.


Tại họp báo Chính phủ ngày 6/5, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết với 100 triệu dân và chi phí trung bình 250.000 đồng/lần khám, ngân sách cần thiết để bảo đảm mỗi người được khám ít nhất một lần mỗi năm là khoảng 25.000 tỷ đồng.


Khám sức khỏe định kỳ giúp người dân tiếp cận sớm dịch vụ y tế, chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng tài chính.


Trước đó ngày 8/4, tại buổi gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sẽ chú trọng phát triển y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới miễn viện phí cho toàn dân. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


Vũ Tuân









Toan dan duoc kham suc khoe dinh ky mien phi tu nam 2026


Tu nam 2026, nguoi dan se duoc kham suc khoe dinh ky mien phi it nhat mot lan moi nam, theo du thao Nghi quyet cua Bo Chinh tri dang duoc xay dung.

Toàn dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí từ năm 2026

Từ năm 2026, người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất một lần mỗi năm, theo dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị đang được xây dựng.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá