Hiệu trưởng bị bắt giữ vì vụ đầu độc chì khiến hàng trăm trẻ mầm non nhiễm độc

TRUNG QUỐC - Trong số 251 trẻ, có 233 bé ở một trường mầm non tại tỉnh Cam Túc bị phát hiện có nồng độ chì trong máu cao bất thường, gây phẫn nộ trong dư luận.


Ngày 8/7, truyền thông Trung Quốc đưa tin, cảnh sát đã bắt giữ 8 người liên quan đến vụ ngộ độc chì tập thể tại Trường Mầm non Peixin ở thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc (miền tây bắc Trung Quốc). Vụ việc được phát hiện sau khi hơn 200 trẻ mẫu giáo có kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng cho phép.


Trong số những người bị tạm giữ có hiệu trưởng họ Chu, một nhà đầu tư địa phương họ Lý và 6 nhân viên bếp ăn của trường. Họ bị cáo buộc "sản xuất thực phẩm độc hại và nguy hiểm". Hai người khác đang bị tạm tha chờ xét xử.


Theo kết quả điều tra, các nhân viên bếp ăn đã mua sơn trang trí không dùng cho thực phẩm trên mạng, pha loãng rồi cho vào thức ăn - với sự đồng thuận của hiệu trưởng Chu và ông Lý. Mẫu thử trong phòng thí nghiệm xác nhận loại sơn này chứa chì và trên bao bì đã ghi rõ “không được ăn”.


Trong tổng số 251 học sinh của Trường Mầm non Peixin, 233 trẻ có kết quả máu bất thường, chỉ 18 trẻ trong giới hạn an toàn.


Theo kết quả điều tra, hơn 200 trẻ tại Trường Mầm non Peixin (thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc) được phát hiện có nồng độ chì trong máu cao bất thường. Ảnh: SCMP

Một số phụ huynh cho biết con họ xuất hiện triệu chứng lạ từ năm 2024 như rụng tóc, răng xỉn màu, hôi miệng... nhưng không ngờ có thể là ngộ độc chì tập thể. Truyền thông Trung Quốc đưa tin một số giáo viên trong trường cũng bị nhiễm độc chì.


Chính quyền bắt đầu điều tra hình sự vào ngày 4/7, sau khi các ca bệnh được trình báo lên cảnh sát và cơ quan giám sát thị trường.


Theo SCMP, kiểm tra 223 mẫu thực phẩm và nguyên liệu từ 4 trường mầm non do ông Lý đầu tư, có 2 mẫu bị phát hiện nhiễm chì - đều từ Trường Peixin, gồm một mẫu bánh chà là ba màu (bữa sáng) và một mẫu xúc xích cuộn ngô (bữa tối). Hai món này có hàm lượng chì lần lượt là 1.052 mg/kg và 1.340 mg/kg - vượt xa giới hạn an toàn quốc gia là 0,5 mg/kg.


Phó thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Thiên Thủy - ông Quách Thanh Tường - nói với đài CCTV rằng hiệu trưởng Chu và nhà đầu tư Lý đã phê duyệt việc mua sơn độc hại để "làm món ăn trở nên bắt mắt hơn với học sinh, từ đó tăng lợi nhuận".


Một phó thị trưởng khác, bà Vương Tiểu Quyên, thừa nhận rằng vụ việc này cho thấy “sự yếu kém nghiêm trọng trong quản lý và đào tạo” tại các trường mầm non tư thục. Chính quyền sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện, khắc phục lỗ hổng và siết chặt quản lý thực phẩm trường học.


Nhiều em đã được chuyển tới Tây An (tỉnh Thiểm Tây lân cận) để xét nghiệm và điều trị tại bệnh viện chuyên về ngộ độc hóa chất.


Theo Hướng dẫn Phòng ngừa nhiễm chì ở trẻ nhỏ do Bộ Y tế Trung Quốc ban hành năm 2006, nồng độ chì trong máu trên 100 mcg/L được coi là bất thường, trên 200 mcg/L là ngộ độc chì. Một số trẻ tại Trường Peixin có nồng độ chì vượt 250 mcg/L - mức cảnh báo ngộ độc trung bình, thậm chí có em vượt quá 450 mcg/L - mức ngộ độc nặng.


Dù có báo cáo điều tra chính thức, một số phụ huynh cho rằng kết quả xét nghiệm do nhà trường tổ chức thấp hơn đáng kể so với kết quả tại Bệnh viện Trung ương Tây An - nơi chuyên điều trị ngộ độc hóa chất.


Giáo sư Diêm Xung Hoài, chuyên gia nhi khoa tại Bệnh viện Tân Hoa (trực thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải), cho biết mức chì an toàn ở trẻ nhỏ là không quá 20 mcg/L. Ông cảnh báo chì có thể gây tổn thương thần kinh không thể hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí tuệ và khả năng học tập dù có điều trị.


Trường Mầm non Peixin là một cơ sở giáo dục tư nhân được cấp phép hoạt động từ tháng 6/2022 và bắt đầu tuyển sinh từ cuối tháng 8 cùng năm.


Hiện chưa rõ thời điểm chính xác các nhân viên nhà bếp mua loại sơn độc hại. Sự việc đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao lại chọn mua sơn không dùng cho thực phẩm trong khi giá của loại sơn đó không chênh lệch nhiều so với phẩm màu dùng được trong thực phẩm.


Trung Quốc từng có nhiều vụ bê bối nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, trong đó đáng chú ý là vụ sữa nhiễm melamine năm 2008 khiến khoảng 300.000 trẻ bị ảnh hưởng. Khi đó, chính phủ đã mở cuộc điều tra quy mô lớn và tuyên án tử hình một số người đứng đầu vụ việc.


Thu hồi thư ngỏ của hiệu trưởng vận động kinh phí phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Tiếp ở Tiền Giang có thư ngỏ vận động kinh phí phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.