Trong dân gian có nhiều cây thuốc mọc hoang được người dân thu hái sử dụng. Họ đặt cho những dược liệu này các tên gọi giản dị.
Bổ béo còn gọi là bùi béo, béo trắng thuộc họ thụ đào. Cây cao 1-2m, mọc nhiều ở các vùng núi miền Bắc. Rễ cây mập giống củ sắn, thường được thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch, thái mỏng phơi khô. Người dân thường sắc, tán bột hoặc ngâm rượu để sử dụng.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, bổ béo có vị ngọt hơi đắng, kích thích ăn ngon, nhuận tràng, lợi tiểu. Người uống dược liệu này lâu ngày sẽ béo khỏe cho nên cây có tên là bổ béo.
Rau tàu bay có tên gọi dựa trên đặc điểm của hoa. Từ tháng 9 tới tháng 2 năm sau, cây ra hoa biến thành túm bông nhẹ bay theo gió giống như “tàu bay”. Cây còn được gọi là cải tàu bay, cải trời rừng thuộc họ cúc. Theo thông tin của Học viện Quân y, rau mọc nhiều ở cả miền rừng núi lẫn đồng bằng, phát triển tốt trong điều kiện đất ẩm.
Trong hàng trăm loại rau rừng, rau tàu bay được nghiên cứu khá kỹ trong cả Đông y lẫn Tây y. Cây có vị đắng, mùi thơm, tính bình, tác dụng thanh can hỏa, giải độc, se da, tiêu viêm, tán uất, cầm máu, sát trùng. Cây phơi khô làm thuốc trị cảm sốt, hạ nhiệt, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu. Rau tàu bay cung cấp các loại vitamin bao gồm vitamin A, C; chứa nhiều chất xơ giúp nhuận tràng và giảm hấp thu chất béo, làm thức ăn kiêng cho người béo phì.
Cây chút chít còn gọi là lưỡi bò, ngưu thiệt, dương đề thuộc họ rau răm. Theo lý giải của người dân, trẻ con nghịch ngợm thường cọ 2 lá cây vào nhau phát ra tiếng kêu “chút chít”, từ đó thành tên cây. Các tên gọi khác bắt nguồn từ hình dạng của cây như rễ cây giống chân dê (dương là dê, đề là gót) hay lá cây giống lưỡi bò (ngưu là trâu/bò, thiệt là lưỡi).
Trước đây, người dân dùng chút chít để trị hắc lào, mụn ghẻ, làm thuốc nhuận tràng, chữa táo bón, tiêu hóa kém, chậm tiêu, vàng da.
Cây rau má lá rau muống cuống rau răm mang tên thể hiện hình dáng của cây. Dược liệu này cũng được gọi là hồng bối diệp, dương đề thảo, nhất điểm hồng… thuộc họ cúc. Cây mọc hoang ven đường ở các nước nhiệt đới châu Á trong đó có Việt Nam. Cây được thu hái quanh năm về sao khô, chủ yếu sử dụng trong dân gian để chữa mụn nhọt, sốt, lao.
* Lưu ý các cây thuốc có thể tiềm ẩn những tác dụng phụ, thậm chí chứa độc, chỉ nên sử dụng khi có hướng dẫn của thầy thuốc nhiều kinh nghiệm.
Top 4 dược liệu 'lấy độc trị độc' được Bộ Y tế nêu tên
Bọ cạp, sâu ban miêu, rết… có thể gây ngộ độc nhưng đồng thời là dược liệu chữa bệnh.
Hầu hết các bộ phận của cây hoa sen đều được sử dụng trong đời sống hằng ngày của người Việt bao gồm các bài thuốc Đông y.