Báo cáo "Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện" của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 22/11 cho biết, phát triển hạ tầng sạc và đảm bảo nguồn cung điện là hai trụ cột quan trọng trong lộ trình chuyển đổi sang xe điện, khử phát thải cacbon trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% phương tiện đô thị và toàn bộ xe buýt, taxi sẽ chạy điện. Đến 2050, chuyển đổi hoàn toàn các phương tiện giao thông đường bộ sang chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh.
Để đạt mục tiêu trên, ông Bowen Wang - chuyên gia cao cấp về Giao thông vận tải của WB, tác giả báo cáo - ước tính Việt Nam sẽ cần 12 triệu xe máy điện và 4 triệu ôtô điện từ 2024-2035. Giai đoạn 2036-2050, nhu cầu ôtô điện sẽ tăng vọt, lên tới 51 triệu chiếc để đạt được tỷ lệ thâm nhập 100% xe điện vào năm 2050.
Hầu hết nhu cầu về thiết bị sạc trong giai đoạn 2024-2030 đều tập trung vào thiết bị sạc cấp 1 cho xe máy điện. Sau năm 2030, nhu cầu về thiết bị sạc cấp 2 và cấp 3 để sạc ôtô điện và sạc cố định cho phân khúc xe thương mại sẽ tăng vọt.
Để thiết lập mạng lưới trạm sạc cho các phương tiện này, Việt Nam sẽ cần chi 2,2 tỷ USD vào năm 2030, 13,9 tỷ USD vào năm 2040 và 32,6 tỷ USD năm 2050.
Hiện, cả nước có gần 150.000 cổng sạc xe điện, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, các trạm bố trí chủ yếu tại chung cư, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, cửa hàng xăng dầu.
Trạm sạc trên các tuyến cao tốc rất hạn chế. Vì vậy, việc tăng đầu tư trạm sạc tại khu vực này sẽ giúp người dùng yên tâm hơn khi chọn xe điện là phương tiện di chuyển chính.
Một trụ cột khác cần tính đến là nguồn cung điện. Hoạt động sạc xe điện sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện và tăng cao điểm tiêu thụ của hệ thống vượt xa dự báo hiện tại trong Quy hoạch điện VIII (PDP8).
WB cho rằng Quy hoạch điện VIII được phê duyệt năm 2023 chưa tính đến hoạt động sạc xe điện (EV), chỉ dự báo tỷ lệ sử dụng xe điện ở mức thấp, chủ yếu là xe máy sạc tại nhà. Trong khi đó, lượng xe điện cần để đưa phát thải về 0 trong lĩnh vực giao thông đến năm 2050 là rất lớn.
Theo WB, Việt Nam cần đầu tư lên tới 9 tỷ USD cho ngành điện từ nay đến 2030. Trong giai đoạn 2031-2050, Việt Nam sẽ cần đầu tư trung bình 14 tỷ USD mỗi năm để sản xuất điện bổ sung và mở rộng mạng lưới so với ước tính của PDP8.
WB gọi mục tiêu chuyển đổi sang xe điện của Việt Nam là "đầy tham vọng". Nếu thành công, quá trình chuyển đổi này sẽ giảm 5,3 triệu tấn phát thải CO2 (tương đương 8% chỉ tiêu giảm phát thải của Việt Nam) vào năm 2030 và 226 triệu tấn (tương đương 60% chỉ tiêu) năm 2050. Qua đó, giúp Việt Nam giảm chi phí thiệt hại về môi trường do ô nhiễm không khí cục bộ tới 6,4 tỷ USD vào năm 2050.
"Chuyển đổi sang giao thông xanh với xe điện là một thách thức lớn, nhưng cam kết của Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng", bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết. Theo WB, ngoài trụ cột về hạ tầng sạc và nguồn cung điện, Việt Nam cũng cần tập trung vào sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng và đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lộ trình chuyển đổi.
Bà Mariam cho rằng để lộ trình này thành công cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, nhà đầu tư tư nhân và người dân trong việc định hình lại thị trường xe, cách thức di chuyển và sử dụng năng lượng.
Thủy Trương