Huyền thoại Toán học nghỉ hưu
Chia sẻ với VietNamNet, tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, cho biết tiến sĩ toán học Lê Bá Khánh Trình chính thức nghỉ hưu sau gần 40 năm gắn bó với nghề.
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1962 tại Huế, được biết đến với biệt danh "cậu bé vàng của toán học Việt Nam".
Tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) năm 1979 ở Anh, ông đoạt Huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt với lời giải độc đáo. Tính đến nay, ông là học sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán quốc tế.
Sau đó, ông theo học tại khoa Toán - Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (Nga). Ông được giáo sư, viện sĩ Andrey Aleksandrovich Gonchar - Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp và làm luận án tiến sĩ.
“Anh Trình ban đầu là thần tượng của tôi. Ngày ấy học ở trường làng nhưng lúc nào tôi cũng mơ được như các anh Hoàng Lê Minh, Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng. Không ngờ đến năm 1984, tôi được học cùng khoa với anh và hai anh em gắn bó từ đó đến nay”, tiến sĩ Trần Nam Dũng chia sẻ về người anh, người đồng nghiệp đáng kính.
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình. Ảnh: Thanh Hùng
Trong ký ức, tiến sĩ Trần Nam Dũng nhớ lúc ở khoa Toán Cơ - Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, ông và tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình là "cặp bài trùng". “Anh Trình chơi guitar rất hay còn tôi thì giọng hát khỏe. Trong đội bóng, anh Trình là thủ môn còn tôi là tiền đạo. Anh Trình bơi tốt, thể thao hay, đàn giỏi… nói chung là niềm mơ ước của các cô gái. Anh là người đóng vai trò quyết định trong con đường của tôi và rủ tôi về Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva”, tiến sĩ Dũng kể.
Theo tiến sĩ Trần Nam Dũng, sau tốt nghiệp về nước, ông và tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình làm việc với nhau vô cùng ăn ý. “Anh ấy có thể từ chối người khác chứ không bao giờ từ chối Nam Dũng. Tôi còn nhớ năm 1996, khi đó vừa chấm xong thi đại học thì anh em đồng nghiệp rủ đi nhậu. Vì tôi mới về nên anh em xúm vào chuốc say. Thấy tôi bắt đầu loạng choạng, anh Trình đứng lên nói: Dũng là em tôi, giờ ai muốn uống với Dũng thì uống với tôi. Anh Trình rất chừng mực, ít uống nhưng lúc cần vẫn sẵn sàng như vậy”, ông Dũng kể.
Những người bạn của tiến sĩ Trình sau này đều là bạn của tiến sĩ Trần Nam Dũng.
Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu cho hay, tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình tuy không làm chức to (chức vụ cao nhất của ông là phó trưởng khoa) nhưng đã có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp giáo dục. Cùng nghỉ hưu đợt này với tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình là tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Tổ trưởng tổ Tin. “Anh Trình cùng anh Thanh Hùng là những huyền thoại của Phổ thông Năng khiếu. Trường Phổ thông Năng khiếu tri ân 2 người thầy xuất sắc, đáng kính", theo tiến sĩ Dũng.
Nghỉ hưu chỉ là một quyết định, có thể sau đó tôi còn “sôi động” hơn
Tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình về nước theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM). Trong nhiều năm liền, tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình là người dẫn dắt, bồi dưỡng đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic Toán quốc tế.
Từ trái qua phải: TS Trần Nam Dũng, GS Lê Tự Quốc Thắng, TS Nguyễn Văn Lượng, TS Lê Bá Khánh Trình từng học chung tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (Nga). Ảnh: TS Trần Nam Dũng cung cấp
Tại Trường Phổ thông Năng khiếu, tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình có 32 năm làm Tổ trưởng Tổ Toán (từ năm 1993 đến nay). Dưới sự dẫn dắt của ông, đội tuyển Toán trường này đã giành hàng trăm giải quốc gia, quốc tế. Theo quy định, tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình nghỉ hưu năm 2022 nhưng nhà trường mời ông tiếp tục làm Tổ trưởng tổ Toán. Ông đã xin thôi giữ vị trí này từ đầu năm và nay chính thức nghỉ hưu.
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình cho biết, ông đón nhận việc nghỉ hưu với tâm thế bình thường, không tiếc nuối, bởi với ông điều quan trọng là bản thân có quan tâm tới công việc hay không và mình có thực sự hữu ích.
“Nghỉ hưu với tôi không có gì đặc biệt, có chăng tôi sẽ có thời gian thoải mái hơn. Tôi không dừng lại trong công việc nên thấy bình thường. Nghỉ hưu chỉ là một quyết định hành chính và có thể tôi còn 'sôi động' hơn trước”, ông nói.
Theo ông, công việc sau nghỉ hưu sẽ không phụ thuộc vào ông mà phụ thuộc nhiều điều xung quanh. Nếu công việc cần ông, các trường học cần ông, ông luôn sẵn sàng. Trước làm ra sao thì bây giờ vẫn như vậy, vẫn đi dạy đội tuyển, làm những công việc về chuyên môn, thậm chí với yêu cầu bản thân cao hơn, chất lượng hơn.
“Bây giờ có thời gian hơn, tôi nghĩ yêu cầu chất lượng sẽ càng phải cao và hoàn thiện hơn. Vì vậy về hưu với tôi chỉ là quyết định có cái mốc, còn những công việc, suy nghĩ vẫn tiếp diễn. Chắc chắn sự tin tưởng của nhà trường, của các đơn vị vẫn như thế”.
TS Khánh Trình cho biết, trước đây công việc giảng dạy với ông gần như quanh năm. Ông dạy đội tuyển, bồi dưỡng học sinh các trường năng khiếu, dạy học. Bây giờ ông sẽ có thời gian để tập trung làm việc này. Nhưng nếu lấy những cái cũ ra giảng dạy thì chắc chắn sẽ mất cảm hứng nên ông sẽ tự bồi đắp thêm. “Giờ thoải mái hơn, đỡ bận rộn hơn, có thời gian hơn thì tôi càng phải bù lại bằng chiều sâu”, tiến sĩ Trình tâm niệm.

TS Lê Bá Khánh Trình kể về người bạn đoạt Huy chương Bạc Olympic qua đời do đột quỵ
TS Lê Bá Khánh Trình kể, TS Phạm Ngọc Anh Cương - người từng đoạt Huy chương Bạc Toán quốc tế - IMO 1979 qua đời do đột quỵ đậm chất công tử Hà thành, học giỏi, tuấn tú, ngang tàng nhưng si tình.
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình thôi làm tổ trưởng ở trường chuyên sau 32 năm
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình vừa thôi làm Tổ trưởng tổ Toán, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) sau 32 năm giữ vị trí này.