Ngày 25/4, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre (Thụy Điển) ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester.
Dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD, triển khai trên diện tích 20ha, vận hành từ năm 2028 với công suất 250.000 tấn/năm.
Mục tiêu dự án là xây dựng tổ hợp tái chế phế liệu ngành dệt may thành sợi vải polyester trên quy mô lớn, đưa Việt Nam thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và EU.

Tại lễ ký kết, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho hay, địa phương có 7 khu công nghiệp được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, giá thuê đất rẻ nên nhà đầu tư có thể triển khai xây dựng bất cứ lúc nào khi có giấy phép.
Ông Dũng cũng cho biết, Bình Định có nguồn lực lao động trẻ năng động, có nhiều trường đại học và các trung tâm đào tạo, sẵn sàng cung cấp cho các dự án nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, Thụy Điển là quốc gia có công nghệ phát triển cao, đặc biệt trong lĩnh vực tái chế, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, địa phương sẵn sàng hỗ trợ cùng Tập đoàn Syre tháo gỡ các khó khăn về pháp lý liên quan nhập khẩu nguồn nguyên liệu.
"Quan điểm của lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ các dự án công nghệ cao, phát triển xanh, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tập đoàn phải thực hiện đúng các cam kết về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn phế liệu trong nước để thực hiện tái chế theo từng giai đoạn", ông Tuấn cho hay.
Theo bà Susanna Campbell, Giám đốc Tập đoàn Syre, định hướng phát triển xanh, tuần hoàn là định hướng chung của các nước trên thế giới. Ngành dệt may hiện nay cần được phát triển trên nền tảng bền vững hơn và tập đoàn đang phát triển dựa trên định hướng đó.
Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam Johan Idisi thông tin, đến nay các doanh nghiệp nước này đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào Việt Nam. Nếu được triển khai, đây sẽ là dự án lớn nhất của doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam.
Theo Đại sứ Thụy Điển, từ mối quan hệ hỗ trợ tái thiết sau chiến tranh, đến nay Việt Nam - Thụy Điển đã hình thành quan hệ thương mại. Hiện nay, giữa Việt Nam - Thụy Điển đang đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ và khoa học kỹ thuật.
Thụy Điển cũng là một trong những nước châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam.
Trước đó, ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre; ông Johan Ndisi, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Bình Định liên quan đến đề xuất đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải Polyester.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng xanh, xác định đây là một trong những động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững, đạt mức tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tới.
Thủ tướng cũng cho rằng, dự án của Tập đoàn Syre cũng phù hợp với định hướng của Việt Nam trong đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để thích ứng với những biến động của tình hình.