Sau ngày giải phóng 13/5/1955, Hải Phòng cũng giống như cả nước chìm trong khó khăn. Công nghiệp và thương nghiệp bị thu hẹp, thậm chí đình đốn, vùng nông thôn xơ xác. Với bờ biển dài 125 km, Hải Phòng là đầu mối giao thông hàng hải của miền Bắc, song luồng lạch, cảng biển không được nạo vét, đường sá xuống cấp. Đến khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Hải Phòng là trọng điểm ném bom. Nhiều nhà máy, bến cảng, cầu phà và khu dân cư bị hủy diệt.
Đất nước thống nhất, Hải Phòng cũng như cả nước lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới cùng chính sách bao vây cấm vận. Dù đồng bằng chiếm tới 85% diện tích tự nhiên (gần 1.300 km2), song sản xuất nông nghiệp yếu kém, nạn đói lan rộng. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng ghi lại năm 1976, huyện thuần nông Vĩnh Bảo có tới 62% nhân khẩu thiếu ăn. Ở nội thành, gạo cho dân không đủ phải bổ sung bằng hạt mạch, bột mì, sắn khô. Các nhu yếu phẩm như vải, xà phòng, phụ tùng xe đạp, thuốc lá phân phối bằng tem phiếu.
Xé rào khoán ruộng
Trăn trở với cái đói của dân, năm 1979, ông Đoàn Duy Thành, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, xuống nông thôn tìm hiểu tại sao trên đồng ruộng vựa thóc một năm hai vụ chiêm mùa, xen một vụ màu mà cứ đói triền miên. Và ông hiểu xã viên làm cho xong công việc hợp tác xã, còn chủ yếu tập trung vào ruộng 5% và đi bắt tôm cá hoặc buôn bán lặt vặt. Kinh tế hợp tác xã chỉ cung cấp khoảng 20% cho cuộc sống nên họ phải bươn chải bên ngoài là chính.
Trong thời gian này, Đảng ủy xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy quyết định làm trái quy định, khoán ruộng cho dân, theo cách Vĩnh Phúc làm năm 1966-1967. Tới vụ chiêm xuân năm 1980, xã Đoàn Xá trải qua 5 vụ khoán. Kết quả từ xã phần đông nông dân bỏ cày cấy chạy chợ, xin ăn, Đảng bộ thuộc diện yếu kém kéo dài nay sản xuất nông nghiệp phát triển, người dân không còn thiếu ăn, các nghĩa vụ đều hoàn thành, hợp tác xã tăng thu nhập và diện tích canh tác được mở rộng.
Từ kết quả của xã Đoàn Xá, ông Đoàn Duy Thành và Bí thư Thành ủy Lê Quang Tạo bàn bạc, thống nhất vừa xin ý kiến Trung ương, vừa thí điểm khoán hoa màu ở xã Hưng Đạo và làm ngơ cho một số nơi khoán chui. Trong bối cảnh công nghiệp trì trệ, công nghệ lạc hậu, vốn không có, nguyên liệu nhập về không đủ thì phải tìm hướng đi nào cho phù hợp và hiệu quả nhất. Việc tập trung vào nông nghiệp lúc này là thuận nhất, nhanh nhất, theo lãnh đạo TP Hải Phòng khi đó.
Sau khi về Đoàn Xá tìm hiểu, lãnh đạo thành phố quyết định cho nhân rộng mô hình khoán. Ngay vụ mùa năm 1980, năng suất lúa đạt 2,3 tấn/ha, hai năm sau đạt 5 tấn/ha. Các huyện như Vĩnh Bảo, An Hải, Đồ Sơn, Kiến An đạt trên 6 tấn/ha, thậm chí một số hợp tác xã đạt hơn 8 tấn/ha. Năm 1983, thành phố sản xuất được 100.000 tấn lương thực, gấp 4 lần mức bình quân những năm trước.
Ngày 22/10/1980, Ban Bí thư ra Thông báo số 22 ghi nhận khoán là ưu điểm và cho các địa phương thí điểm. Tháng 12/1980, Trung ương khóa 4 quyết định mở rộng khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Khoán trong nông nghiệp đã tạo động lực cho công nghiệp. Các cơ sở công nghiệp địa phương và Trung ương thi đua sáng kiến, tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất.
Mua tàu, xuất sắt thép phế liệu
Hải Phòng có hệ thống cảng lớn nhất miền Bắc nhưng ngành vận tải biển những năm 1980 do trung ương quản lý và tổ chức khai thác. Nhân dịp Tổng Bí thư Lê Duẩn xuống thăm, lãnh đạo thành phố đề xuất được mua một tàu biển chở hàng đi bán ở những thị trường gần.
Được Tổng Bí thư đồng ý, ông Đoàn Duy Thành nhờ bà Trương Thị Nhân, Giám đốc Công ty Vận tải và Thuê tàu (Vietfract) của Bộ Ngoại thương mua giúp con tàu cũ của Nhật Bản về sơn lại, đặt tên là Sông Cấm. Lãnh đạo thành phố còn cho xây thêm cảng Cửa Cấm - cảng riêng của Hải Phòng để không phải thuê cầu cảng của trung ương, tránh thế bị động và cước phí cao, ông Phạm Đình Thủy, nguyên công chức Giao thông - Công chính kể lại.
Với sự hỗ trợ từ Vietfract, Hải Phòng thành lập công ty vận tải biển, đưa tương, cà, mắm, muối bán sang Hong Kong - thị trường tư bản duy nhất khi đó có đại diện thương mại của Việt Nam. Tổng số hàng bán thu về khoảng một triệu USD, thành phố chỉ đạo mua hàng từ Hong Kong về bán cho dân.
Việc kinh doanh mang vận tải đường biển lại hiệu quả cao, đặc biệt trong những chuyến đi Nhật sau này. Xe máy Nhật tại thị trường Việt Nam đắt như "tôm tươi". Chỉ vài chuyến đi biển là đủ vốn thực hiện các chương trình lấn biển, làm thủy lợi, mua hàng hóa cung cấp cho cán bộ công nhân viên, nhất là vải vóc. Nhân dịp 2/9 và Tết Nguyên đán 1981, thành phố tặng mỗi cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang, học sinh trung học và đại học 5 m vải.
"Đó chỉ là một trong những quyết sách táo bạo được lãnh đạo thành phố chủ động đề xuất với Trung ương để tái thiết và phát triển", ông Thủy cho biết.
Năm 1981, Hải Phòng mua thêm tàu Hoa Phượng trọng tải 2.900 tấn, có một khoang chở hàng đông lạnh, giá gần 200.000 đôla để chuyên chở hàng hóa. Sau Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng cũng mua tàu kinh doanh vận tải. Năm 1984, Bình Trị Thiên liên doanh với Hải Phòng mua tàu đặt tên Huế - Hải Phòng, trọng tải 2.600 tấn. Từ đây, ngành vận tải biển dần khởi sắc sau nhiều năm gián đoạn.
Sau chiến tranh, Hải Phòng tập trung rất nhiều tàu, sà lan hỏng hóc, nằm la liệt trên sông Cấm. Tháng 7/1980, khi dẫn Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thực tế bờ sông Cấm từ Thượng Lý đến Quán Toan, lãnh đạo thành phố đã đề nghị cho xuất khẩu sắt thép cũ với giá từ 70 đến 100 USD/tấn. Một tuần sau, Thủ tướng cho phép Hải Phòng xuất khẩu 20.000 tấn sắt thép phế thải. "Đây là lần đầu tiên nước ta xuất khẩu loại hàng này'', ông Thủy nói.
Hoạt động xuất khẩu đóng vai trò rất lớn trong tích lũy vốn để đầu tư sản xuất, xây dựng đô thị, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân. Những năm 1981-1984, bình quân mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng tăng 40%. Năm 1984, 10 quận, huyện xuất khẩu tăng 35% so với năm 1980 và năm 1985 tăng 20% so với năm 1984.
Xuất khẩu được đẩy mạnh, Hải Phòng có tiền đầu tư xây dựng hàng loạt công trình thiết yếu như cầu Niệm, cầu Rào, cầu An Dương, sân bay Cát Bi, khu du lịch Đồ Sơn, cống Rỗ, cống An Sơn, cống Trung Trang, trạm bơm Thượng Đồng, cảng Đình Vũ, đường xuyên đảo Cát Hải - Cát Bà, đê biển Đồ Sơn...
Thành quả này là cảm hứng để nhà thơ Tố Hữu, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng làm bài thơ: Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô/ Đào sông, lấn biển dựng cơ đồ/ Làm ăn hai chữ à ra thế/ Chèo chống ngàn tay một tiếng hô...
Lấy lại vị thế
Sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ, những năm 1990-2010 kinh tế Hải Phòng có dấu hiệu chững lại, thua Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương. Những năm 2005-2010, bình quân thu ngân sách của Hải Phòng chỉ đạt 7.000-10.000 tỷ đồng/năm, tỷ lệ thất nghiệp có lúc cao nhất cả nước.
Đến năm 2016, lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng với 44.000 tỷ đồng được huy động trong giai đoạn 2016-2020, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015. Hàng chục tuyến đường và hơn 50 cây cầu lớn nhỏ được hoàn thành đã giúp thành phố hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng, tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Trong 4 năm liên tiếp (2021-2024), Hải Phòng đứng top 5 cả nước về thu hút vốn FDI. Năm 2024, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, vượt 145% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Hải Phòng cũng xây dựng lộ trình đa dạng hóa nguồn thu ngân sách, ngoài đấu giá đất, tiền thuế doanh nghiệp, từ năm 2017 Hải Phòng bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển để có thêm hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này dùng để duy tu, bảo dưỡng và xây mới các công trình giao thông.
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đánh giá là động lực cho sự phát triển của thành phố. Nghị quyết số 35/2021 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm đã tạo hành lang pháp lý, tăng tính chủ động cho thành phố trong điều hành, rút ngắn thời gian thực hiện nhiều thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp, phân quyền.
Nhờ vậy liên tục 9 năm Hải Phòng là địa phương duy nhất cả nước tăng trưởng hai con số. Riêng bốn năm 2019-2023 thành phố tăng trưởng kinh tế 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước, gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018. Quy mô kinh tế của Hải Phòng liên tục tăng, duy trì vị trí thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng (sau Thủ đô Hà Nội) và thứ năm cả nước. Trong 3 năm (2022-2024), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố vượt mốc 100.000 tỷ đồng.
Với nguồn lực dồi dào, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân Hải Phòng cũng được nâng cao. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng từ 1.587 USD năm 2010 lên 5.863 USD vào 2020 và 8.665 USD năm 2024, vượt xa mức 4.700 USD bình quân của cả nước.
Thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết mang lại lợi ích cho người dân như miễn học phí, khen thưởng học sinh giỏi, vận động viên thành tích cao, hỗ trợ xi măng cải tạo ngõ xóm, xây nhà ở xã hội, xây dựng nông thôn mới...
"Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung bối cảnh và thể chế. Đây là thành quả hiếm địa phương nào có được trong lịch sử gần 40 năm đổi mới kinh tế đất nước", Tổng bí thư Tô Lâm nhận xét khi làm việc ở Hải Phòng vào cuối năm 2024.
Với những thành tích đạt được, ngày 28/4, nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu "thành phố anh hùng" cho Hải Phòng.
Lê Tân
*Bài viết tham khảo tư liệu của Đảng bộ TP Hải Phòng, Chi cục Thống kê TP Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng.