Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo sửa đổi là làm rõ vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, Mặt trận được xác định là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.
Nguyên tắc hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên là phối hợp, thống nhất hành động theo Điều lệ Mặt trận, đồng thời bảo đảm tính độc lập của từng tổ chức. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, hệ thống tổ chức của Mặt trận còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo. Một số nơi, Mặt trận chưa sâu sát cơ sở, xảy ra tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức. Bên cạnh đó, nguyên tắc hiệp thương dân chủ chưa được quy định rõ trong Hiến pháp.
Thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm khẳng định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời làm rõ nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận.
Các tổ chức như: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được xác định là tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận. Những tổ chức này được thành lập trên cơ sở tự nguyện, có chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Hiến pháp 2013 sửa đổi theo hướng tổ chức chính quyền địa phương thành hai cấp để nâng cao hiệu quả và phù hợp với xu thế phát triển.
Điều 110 của Hiến pháp 2013 hiện quy định hệ thống đơn vị hành chính ba cấp (tỉnh, huyện, xã) với hơn 10 loại hình khác nhau. Tuy nhiên, việc duy trì mô hình này đang bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo, gây lãng phí và làm chậm trễ việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về việc thu gọn đầu mối hành chính để tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 đề xuất tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp. Theo đó, các đơn vị hành chính sẽ bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố. Hiến pháp sửa đổi sẽ không quy định chi tiết tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở mỗi cấp như hiện nay. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định thành lập.
Dự kiến, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa quy định này, trong đó xã được xác định là đơn vị hành chính ở nông thôn, phường ở đô thị và đặc khu ở hải đảo. Việc sử dụng cụm từ "đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương" nhằm đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp hiện hành.
Ngoài nội dung về tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn bao gồm các nội dung quan trọng khác như quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội và bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam.
Ngoài tờ trình và thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong sáng 7/5, Quốc hội cũng nghe tờ trình các dự án Luật: Tổ chức chính quyền địa phương; Cán bộ, công chức (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Quốc hội dành toàn bộ thời gian buổi chiều để thảo luận ba dự thảo luật và nghị quyết được trình buổi sáng.
Sơn Hà