Những ca cấp cứu giữa Trường Sa

Khánh Hòa - Sáng mùng 1 Tết trên đảo Sinh Tồn, bác sĩ Lê Đăng Tuấn cùng đồng đội đang chuẩn bị mâm cơm cúng đầu năm thì điện thoại cấp cứu reo vang.


Đầu dây thông báo có một ngư dân tên Huỳnh Văn Đủ, 51 tuổi, quê Bình Định bị đau bụng dữ dội trên tàu cá cách 5 hải lý. Khối u dưới bụng căng to như trái dừa, chực vỡ.


Trên đảo, kết quả siêu âm và chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị thoát vị bẹn nghẹt, phải mổ gấp. Nếu chậm trễ, tạng nghẹt sẽ hoại tử, lan nhiễm độc toàn thân.


"Tôi từng mổ nhiều ca thoát vị, nhưng chưa từng thấy khối u nào to như thế", bác sĩ Tuấn nói.


Tình huống sinh tử nhưng bệnh xá đảo Sinh Tồn chỉ có một bác sĩ và ba y sĩ, máy móc hạn chế. Hệ thống Tele-medicine (chẩn đoán từ xa) đã hỏng vì hơi nước biển. Liên lạc với đất liền chỉ qua sóng điện thoại. Trực thăng cứu hộ nhanh nhất cũng mất 6 tiếng, trong khi bệnh nhân chỉ còn cầm cự được ba giờ.


Các bác sĩ từ Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) và Bệnh viện Y học Hải quân (Hải Phòng) đều nhất trí phải mổ ngay.


Ca mổ bắt đầu trong căn phòng đơn sơ của bệnh xá đảo. Ba tiếng căng như dây đàn, cuối cùng toàn bộ khối thoát vị được đưa về ổ bụng an toàn. Cánh cửa tử thần đã bị ngăn chặn.


"Mổ xong, tôi mở điện thoại thấy 27 cuộc gọi nhỡ từ quân y vùng, quân y quân chủng và cấp trên. Tất cả đều quan tâm đến tình hình người bệnh", bác sĩ Tuấn kể.


Nằm giữa Biển Đông, huyện đảo Trường Sa có 8 cụm đảo chính, trong đó nhiều đảo lớn được trang bị bệnh xá cùng đội ngũ y bác sĩ từ các bệnh viện lớn như 175, 108, 103 tăng cường. Đội ngũ quân y có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho bộ đội, người dân trên đảo và cả ngư dân đánh bắt xa bờ.


Năm 2024, bệnh xá đảo Sinh Tồn đã khám chữa hàng nghìn lượt, trong đó có 350 ngư dân. Ngoài trường hợp ông Đủ, ca của ngư dân Nguyễn Phú Quốc, 45 tuổi, quê Quảng Ngãi cũng là kỳ tích.


Khi đang đánh cá gần đảo Tiên Nữ, cách Sinh Tồn 120 hải lý, ông Quốc sốt cao 40 độ, nghi áp xe gan, cần can thiệp gấp. Đến được đảo sau hơn 10 giờ di chuyển, bệnh nhân đã mê man vì nhiễm trùng toàn thân


"Chúng tôi phải mổ ngay, nhưng xin cấp trên cũng chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất", bác sĩ Tuấn kể. May mắn, sau bốn ngày bệnh nhân cắt sốt, ngày thứ 7 ăn được cháo và ngày thứ 10 đủ sức chuyển về đất liền điều trị phục hồi.


Tốt nghiệp Học viện Quân y với tấm bằng loại ưu, bác sĩ Lê Đăng Tuấn từng là kíp trưởng phẫu thuật tại Bệnh viện Y học Hải quân. Từ tháng 8/2024, anh mang theo kinh nghiệm và lý tưởng ra Trường Sa công tác.


"Trước đây tôi là một mắt xích trong guồng máy hoàn chỉnh, giờ phải tự xoay xở mọi thứ trong điều kiện xa đất liền, thiếu thiết bị và nhân lực. Thành thật mà nói, lúc đầu rất lo", anh chia sẻ.


Nhưng hành trình này không khiến anh chùn bước. Trái lại, nơi tiền tiêu thắp lên một ngọn lửa khác. "Chỉ khi đứng giữa trùng khơi, tay cầm dao mổ mà sau lưng là biển, tôi hiểu rõ sứ mệnh và trọng trách của người lính áo trắng", bác sĩ Tuấn nói.


Tại đảo Song Tử Tây, bác sĩ Nguyễn Xuân Tùng cũng đang trải qua một năm công tác rất khác thường. Có 10 năm kinh nghiệm phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng ra đây, nhiều thứ với anh như bắt đầu lại. "Trước đây tôi chuyên sâu một lĩnh vực, gặp ca ngoài chuyên môn là có chuyên gia hỗ trợ. Ở đây chỉ có hai bác sĩ, mọi chuyên khoa phải tự lo", anh nói.


Thử thách đầu tiên ập đến chỉ một ngày sau khi đặt chân lên đảo.


Một ngư dân 43 tuổi nhập bệnh xá trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt cao, nghi viêm ruột thừa cấp. Nếu không mổ kịp thời, ruột thừa có thể vỡ, gây viêm phúc mạc và tử vong.


Chưa kịp làm quen máy móc, lại không đúng chuyên môn. Bác sĩ Tùng chủ động kết nối với tuyến trên qua hệ thống tele - medicine để xin hướng dẫn. Với quyết tâm phải thành công, anh trực tiếp mở ổ bụng. Sau gần hai giờ căng thẳng, ca mổ hoàn tất. Bệnh nhân tỉnh ngay sau mổ, ba ngày sau vết thương khô, ăn uống bình thường.


Với Tùng, mỗi ca bệnh ở đảo là một thử thách cả nghiệp vụ và ý chí. Có lần, một ca suy hô hấp do hen ác tính ở cách đảo 90 hải lý. Mọi người quyết định tàu cá chạy vào, xuồng quân y chạy ra. Gần bốn tiếng sau, hai bên gặp nhau trùng khơi, bệnh nhân đã tím tái, hôn mê, co giật.


"Ông ấy chưa từng lên cơn hen nhưng rất may mang thuốc xịt vì gia đình có tiền sử, nên cầm cự được", Tùng nói.


Sơ cứu ngay trên boong tàu sóng chòng chành, kíp bác sĩ phải tiêm thuốc, đặt ống thở, bóp bóng suốt 20 phút để ổn định tình trạng. Sau đó chuyển bệnh nhân về bệnh xá tiếp tục điều trị. 12 ngày sau, bệnh nhân hồi phục và được xuất viện.


Tại bệnh xá thị trấn Trường Sa sáng 10/4, bệnh nhân Vĩnh Văn Non, 53 tuổi, quê Bình Định nằm trên giường bệnh với bàn tay phải bị băng bó kín. Hai ngày trước, ông đang làm việc trên tàu cá gần khu vực đảo Thuyền Chài thì tay phải bị cuốn vào máy xay đá, dập nát, đứt gân, gãy xương. "Lúc đó tôi tưởng chết hoặc sẽ bị mất cánh tay", ông Non chia sẻ.


Đại úy, bác sĩ Nguyễn Xuân Cường, trưởng bệnh xá thị trấn Trường Sa cùng ekip đã hội chẩn gấp với các chuyên gia từ đất liền, rồi tiến hành phẫu thuật. Trong 5 tiếng, ekip đã xử lý toàn bộ vết thương phức tạp, tái tạo các gân, khâu nối mạch máu, thần kinh, cố định xương và khâu hơn 100 mũi để tạo hình lại bàn tay.


Hai ngày sau mổ, ông Non tỉnh táo, có thể cử động nhẹ các ngón tay. Đây được đánh giá là một kỳ tích giữa biển khơi thiếu thốn nhiều thứ.


Ông Non cho biết những ngư dân yên tâm bám biển nhờ "hậu phương vững chắc giữa trùng khơi", nơi có nước ngọt, nhu yếu phẩm, chỗ tránh trú và cả đội ngũ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật tàu thuyền. Đặc biệt, lực lượng quân y trên đảo chính là phao cứu sinh, giúp họ không bị gián đoạn công việc khi ốm đau, tai nạn.


"Các bác sĩ không chỉ giành tôi khỏi tay tử thần, mà còn tái tạo cho tôi một sự sống mới", ông nói.


Bác sĩ Cường cho biết, năm 2024 và quý I/2025, bệnh xá thị trấn Trường Sa đã tiếp nhận hơn 1.000 ca cấp cứu, khám chữa, trong đó có trên 400 ngư dân. Nhiều trường hợp đột quỵ, xuất huyết não, chấn thương sọ não nguy kịch được xử lý kịp thời ngay tại đảo, không cần huy động trực thăng từ đất liền.


"Chúng tôi chữa bệnh cũng là đang gìn giữ chủ quyền", bác sĩ Cường nói.


Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, bác sĩ Lê Đăng Tuấn nhận được một cuộc điện thoại đặc biệt từ ngư dân từng được anh cứu sống. Anh Quốc cảm ơn bác sĩ quân y tài và tâm, chia sẻ sức khỏe mình đang tiến triển rất tốt và hẹn khi ra khơi sẽ ghé đảo thăm các y bác sĩ.


Còn ông Huỳnh Văn Đủ, chín ngày sau ca mổ, đã khỏe mạnh, chủ động xin rời đảo tiếp tục hành trình bám biển. Không mất một đồng viện phí, ông còn được tặng thêm nhu yếu phẩm, rau xanh do bộ đội trồng trên đảo.


"Giây phút nhìn ông Đủ lên tàu, tôi hiểu từng con người có mặt ở Trường Sa, dù mặc áo lính hay áo blouse trắng hay ngư dân dãi dầu mưa nắng, đều đang cùng giữ gìn từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc", bác sĩ Tuấn nói.


Phan Dương









Nhung ca cap cuu giua Truong Sa


Khanh Hoa - Sang mung 1 Tet tren dao Sinh Ton, bac si Le Dang Tuan cung dong doi dang chuan bi mam com cung dau nam thi dien thoai cap cuu reo vang.

Những ca cấp cứu giữa Trường Sa

Khánh Hòa - Sáng mùng 1 Tết trên đảo Sinh Tồn, bác sĩ Lê Đăng Tuấn cùng đồng đội đang chuẩn bị mâm cơm cúng đầu năm thì điện thoại cấp cứu reo vang.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá