Bác sĩ Hà Mạnh Cường, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết hôi nách là tình trạng tăng tiết mùi cơ thể từ vùng da dưới cánh tay, gây ra mùi hôi khó chịu. Nguyên nhân thường do di truyền, thói quen sinh hoạt, ăn uống, mắc bệnh lý. Nếu việc điều trị không đúng, hoặc ở nơi không uy tín sẽ dễ có nguy cơ mắc các bệnh dưới đây.
Uốn ván
Việc điều trị hôi nách hiện nay có nhiều phương pháp như: sử dụng thuốc bôi ngoài da còn cần điều trị nội khoa, phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi hoặc cắt dây thần kinh giao cảm. Các cách điều trị này cần phải xâm lấn trên da, gây ra vết thương chảy máu. Sau phẫu thuật, nếu vết thương không chăm sóc đúng dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván có nhiều ngoài môi trường xâm nhập.
Bệnh uốn ván có nguy cơ biến chứng rối loạn thần kinh thực vật, suy hô hấp, viêm phổi, suy thận cấp, làm tăng nguy cơ tử vong lên đến 90% ở người mắc. Trường hợp sống sót thường có nguy cơ bị di chứng mất sức lao động, suy dinh dưỡng, cứng khớp phải tập vật lý trị liệu trong thời gian dài.
Bệnh truyền nhiễm
Các bệnh truyền nhiễm như sùi mào gà, viêm gan B, HIV, lậu, giang mai, Herpes... lây qua đường tình dục, đường máu. Đường lây ít phổ biến hơn là sử dụng chung dụng cụ phẫu thuật, sinh thiết chưa tiệt trùng kỹ, vẫn còn dính mầm bệnh... Với trường hợp điều trị hôi nách bằng phương pháp như tiêm, phẫu thuật, nội soi, dụng cụ không được tiệt trùng kỹ, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn có khả năng truyền các mầm bệnh kể trên.
Nhiễm độc nhôm
Theo bác sĩ Cường, nhiều người bị hôi nách sử dụng phèn chua, giấm, lăn khử mùi... để trị bệnh tại nhà. Đây là cách giúp giảm mùi hôi, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm độc nếu sử dụng sản phẩm không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vừa qua, Việt Nam ghi nhận người phụ nữ 64 tuổi (ở Quảng Ninh) bị nhiễm độc nhôm do dùng phèn chua chữa hôi nách suốt 10 năm.
Nhiễm trùng
Theo bác sĩ Cường, các phương pháp điều trị hôi nách như tiêm, đốt laser, phẫu thuật... cần phải thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, và cần thực hiện ở cơ sở y tế uy tín. Song vì e ngại, nhiều người đã tìm đến các cơ sở không uy tín dẫn đến dị ứng, nhiễm trùng, chảy máu, sốc phản vệ và tử vong.
Cách khắc phục
Hôi nách có thể cải thiện nếu áp dụng các cách như thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, sử dụng các dược mỹ phẩm như lăn nách, xịt nách để ngăn mùi, tránh thói quen sinh hoạt không vệ sinh như lười tắm giặt, mặc áo chật, bó... Người bệnh không dùng dao, nhíp cạo hoặc nhổ lông vùng nách để tránh phì đại nang lông, kích thích bài tiết trên bề mặt da khiến tình trạng nặng hơn. Trường hợp điều trị chuyên sâu, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ đủ chuyên môn, kinh nghiệm để được tư vấn phương pháp phù hợp.
Trong các bệnh kể trên, sùi mào gà do virus HPV và viêm gan B, uốn ván có thể phòng ngừa bằng vaccine. Với viêm gan B, hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine viêm gan B dành cho trẻ em và người lớn gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam), Twinrix (Bỉ) phòng viêm gan A và B trong một mũi tiêm; vaccine phối hợp có thành phần viêm gan B như 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ em. Vaccine cần tiêm nhắc khi kháng thể giảm.
Uốn ván có nhiều loại vaccine gồm mũi uốn ván đơn và phối hợp như uốn ván - bạch hầu hấp phụ, bạch hầu - ho gà - uốn ván, có thể tiêm chủng chủ động hoặc tiêm khi có vết thương hở. Vaccine phối hợp có thành phần uốn ván như 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ em. Vaccine cần tiêm nhắc mỗi 10 năm sau lịch tiêm cơ bản.
HPV ngoài gây bệnh sùi mào gà còn gây ra ung thư cổ tử cung, hầu họng, âm hộ, âm đạo... Tiêm vaccine là cách phòng lây nhiễm HPV hiệu quả. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine HPV Gardasil phòng được 4 type 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9, phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định cho cả nam và nữ trong độ tuổi 9-45, hiệu quả bảo vệ đến trên 90%.
Tuấn An