Lo xung đột lợi ích khi viên chức góp vốn vào doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội đề nghị giới hạn lĩnh vực, trách nhiệm của viên chức khi họ tham gia quản lý, góp vốn vào doanh nghiệp, tránh xung đột lợi ích giữa việc công và kinh doanh.


Chiều 10/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.


Ở lần sửa đổi này, dự luật bổ sung quy định viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đó thành lập. Họ cũng có thể tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.


Ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn Trà Vinh, góp ý dự luật cần giới hạn các lĩnh vực viên chức được phép, thời gian tham gia, trách nhiệm báo cáo và cơ chế phòng ngừa xung đột lợi ích giữa công việc công và hoạt động kinh doanh.


Ông dẫn phản ánh của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết có hiện tượng một số viên chức dùng danh nghĩa người thân để đứng tên doanh nghiệp, từ đó gây khó khăn trong quản lý và dễ dẫn đến vi phạm nguyên tắc liêm chính công vụ.


"Cần có quy định rõ về xử lý vi phạm của viên chức khi tham gia quản lý, góp vốn tại doanh nghiệp, trong trường hợp lạm dụng chức vụ quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân", ông Bình đề nghị.


Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận xét quy định viên chức được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tại dự luật đang "vênh" với dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.


Theo đó, tại dự Luật Doanh nghiệp, viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó lập. Còn dự Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lại chỉ đề cập viên chức trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập. "Quy định giữa các luật cần thống nhất để tránh xung đột khi thực hiện", ông Hùng nói.


Phản hồi ý kiến này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát để quy định viên chức tham gia góp vốn, thành lập doanh nghiệp thống nhất với dự Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.


"Lúc này chúng ta đang có cơ hội sửa, nên Bộ sẽ rà soát để quy định này khớp giữa hai luật", ông nói.


Dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi. Theo đó, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc có quyền chi phối, trừ người thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện sở hữu nhà nước về quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.


Tại tổ TP HCM, ông Trần Hoàng Ngân (Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM) cho rằng bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi tại doanh nghiệp là cấp bách, để đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền, trong bối cảnh Việt Nam đã bị đưa vào "danh sách xám" của FATF (Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) từ tháng 6/2023.


Tuy nhiên, theo ông Thạch Phước Bình, điều kiện xác định chủ sở hữu hưởng lợi tại doanh nghiệp cần được xác định cụ thể hơn, chẳng hạn tỷ lệ nắm giữ cổ phần, quyền chi phối của họ tại doanh nghiệp ra sao.


"Cần bổ sung rõ nghĩa vụ cập nhật, báo cáo của doanh nghiệp khi có thay đổi chủ sở hữu hưởng lợi và chế tài trong trường hợp họ vi phạm", ông Bình đề nghị.


Ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn TP Cần Thơ cho rằng việc xác định chủ sở hữu hưởng lợi tại doanh nghiệp còn "chung chung, mơ hồ", nên có thể gây khó khăn trong thực thi. Ông đề nghị làm rõ tiêu chí chủ sở hữu này có quyền chi phối sở hữu, bổ nhiệm... như thế nào tại doanh nghiệp. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông.


Cũng theo dự luật, các quy định tăng giám sát, kiểm tra đăng ký kinh doanh của UBND cấp tỉnh, chế tài xử lý với doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ cam kết, vốn ảo, khai khống... được bổ sung. Điều này nhằm tăng minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng tăng trách nhiệm quản lý hậu kiểm trước tình trạng doanh nghiệp ma, vốn ảo, hoặc núp bóng góp vốn, mua cổ phần chi phối thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.


Ông Phước Bình góp ý dự luật cần bổ sung rõ tiêu chí xác định thế nào là "khống", nhất là với doanh nghiệp góp vốn bằng tài sản vô hình hoặc vốn góp tiền mặt, tài sản, quyền tài sản theo lộ trình.


Ông dẫn báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, cho biết có tới 30% doanh nghiệp kê khai vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên nhưng không có khả năng tài chính thực sự, gây rủi ro cho đối tác và ngân hàng khi ký kết hợp đồng, mở tín dụng.


"Cần làm rõ cơ quan có thẩm quyền xác minh hành vi này và quy trình xử lý vi phạm, đảm bảo tính minh bạch và công bằng", Phó đoàn tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm.


Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường vào ngày 20/5, và biểu quyết thông qua ngày 16/6.


Anh Minh









Lo xung dot loi ich khi vien chuc gop von vao doanh nghiep


Dai bieu Quoc hoi de nghi gioi han linh vuc, trach nhiem cua vien chuc khi ho tham gia quan ly, gop von vao doanh nghiep, tranh xung dot loi ich giua viec cong va kinh doanh.

Lo xung đột lợi ích khi viên chức góp vốn vào doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội đề nghị giới hạn lĩnh vực, trách nhiệm của viên chức khi họ tham gia quản lý, góp vốn vào doanh nghiệp, tránh xung đột lợi ích giữa việc công và kinh doanh.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá