Diễn ra trong 2 ngày 4 - 5/7/2025, Hội thảo quốc tế về “Phát triển ngôn ngữ lần thứ 2 - The 2nd ICLD 2025” (The 2nd International Conference on Language Development) quy tụ 64 báo cáo khoa học từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên đến từ 11 quốc gia trên thế giới, bao gồm: Úc, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Thái Lan, Đức, Ba Lan, Indonesia, Armenia, Ukraine, Malta và Việt Nam.
Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), Trường Đại học Silpakorn (Thái Lan), Trường Đại học Công lập Nueva Vizcaya State (Philippines) và Trường Đại học Sư phạm Thượng Hải (Trung Quốc)
Phát biểu tại Lễ khai mạc, TS. Võ Hoàng Duy - Phó Hiệu trưởng TDTU cho biết: “Hội thảo nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục ngôn ngữ, đồng thời khẳng định việc ứng dụng AI trong giảng dạy ngôn ngữ phù hợp với xu thế chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.”
TS. Võ Hoàng Duy - Phó Hiệu trưởng TDTU phát biểu chào mừng Hội thảo ICLD 2025
Với chủ đề “Transforming Language Education: Wellness, Technology and Beyond” Hội thảo tập trung vào việc ứng dụng AI để xây dựng các chiến lược giảng dạy sáng tạo, cá nhân hóa môi trường học tập, đáp ứng nhu cầu và năng lực riêng của từng người học. Hội thảo cũng đề cập các giải pháp cho những vấn đề đạo đức nảy sinh khi tích hợp AI vào đào tạo. Bên cạnh đó, vấn đề sức khỏe tinh thần và an sinh cho giáo viên, sinh viên trong quá trình dạy và học cũng được nhấn mạnh. Những kết quả nghiên cứu trình bày tại hội thảo hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập ngôn ngữ, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục hiện nay.
TS. Dat Bao - Đại học Monash (Úc) phát biểu khai mạc hội thảo
TS. Võ Hoàng Duy đại diện Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho Chủ tịch Hội thảo và đại diện các đơn vị đồng tổ chức
ICLD 2025 không chỉ là nơi thúc đẩy và mở rộng mạng lưới học thuật để phát triển chuyên môn, công bố những công trình nghiên cứu khoa học mới, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo trong hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học, mà còn là một diễn đàn trao đổi, hợp tác giữa các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục trong nước và quốc tế. Thông qua các phiên thảo luận và hoạt động kết nối học thuật với thực tiễn, hội thảo góp phần gắn kết nhà trường với xã hội và nhu cầu thị trường lao động, đồng thời tạo nền tảng để các ý tưởng nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.
TS. Willy A. Renandya (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore), diễn giả chính của Hội thảo, trình bày tham luận với chủ đề: “Can Technology Improve Language Proficiency
Tú Uyên