Thông tin được Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Phạm Thị Thanh Hiền cho biết tại phiên họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ngày 4/7.
Theo bà Hiền, Sở đã tham mưu UBND TP HCM ban hành quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, bố trí lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, kèm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Tính đến ngày 30/6, số người nghỉ hưu hoặc thôi việc đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị định 178 và 67 là 2.081 người. Trong đó, khối Đảng và đoàn thể có 398 người; khối chính quyền 1.662 người; diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có 21 người. Tổng kinh phí hỗ trợ đã chi là 773,5 tỷ đồng.
Theo đề án, trong 5 năm tới, TP HCM sẽ giảm tối thiểu 20% biên chế, tương đương giảm khoảng 4% mỗi năm. Người thôi việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Tại TP HCM, bên cạnh hỗ trợ tài chính, cán bộ nghỉ việc sẽ được giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, vay tối đa 300 triệu đồng để tự tạo việc làm, được miễn lãi vay trong 5 năm đầu.
Liên quan công tác cán bộ sau sáp nhập địa bàn, bà Hiền cho biết việc mở rộng địa giới khiến nhiều công chức gặp khó khăn do khoảng cách di chuyển xa, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, một số người có nguyện vọng chuyển công tác vì lý do gia đình.
Sở Nội vụ đang khảo sát tâm tư, nguyện vọng của cán bộ để có phương án bố trí phù hợp với hoàn cảnh cá nhân và nhu cầu thực tế của các cơ quan.
Theo Bộ Nội vụ, khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính và áp dụng mô hình chính quyền hai cấp, cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường và đặc khu. Ước tính, việc sắp xếp sẽ giảm hơn 249.000 người, trong đó có 18.400 cán bộ cấp tỉnh, hơn 110.000 cán bộ cấp xã và 120.500 người hoạt động không chuyên trách.
Tổng kinh phí dự kiến chi hỗ trợ cán bộ nghỉ việc, nghỉ hưu sớm giai đoạn 2025-2030 là hơn 128.000 tỷ đồng.
Lê Tuyết