Tại Đức, hệ thống ghi nhận vi phạm giao thông và trừ điểm trên bằng lái. Theo đó, bằng lái xe có tổng cộng 8 điểm. Khi bị trừ hết 8 điểm, người vi phạm có nguy cơ bị thu hồi giấy phép lái xe.
Để tránh hậu quả này, nhiều người lợi dụng lỗ hổng pháp lý bằng cách nhờ người khác nhận trách nhiệm cho vi phạm của mình. Những người này thường được sắp xếp qua các công ty môi giới trực tuyến chuyên nghiệp.
Theo Hiệp hội ôtô Đức (ADAC), việc mua bán điểm là vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với an toàn giao thông và ADAC tuyên bố rằng cần phải có lệnh cấm đối với các dịch vụ môi giới như vậy.
Hiện hệ thống có thể bị lợi dụng khi ai đó có thể cung cấp danh tính giả khi một vi phạm bị ghi nhận. Theo tiến sĩ Markus Schäpe, người đứng đầu bộ phận pháp lý của ADAC, "gian lận liên quan đến giao dịch điểm bằng lái rất khó chứng minh" và do đó cần có các quy định pháp lý rõ ràng.
Theo Cơ quan Giao thông Vận tải liên bang (KBA), bất kỳ ai cố tình nêu tên người khác trong quá trình xử phạt vi phạm giao thông đều là hành vi phạm tội - đặc biệt là để đổi lấy tiền.
Các nhà cung cấp dịch vụ môi giới thường tuyên bố rằng chính quyền không có cách nào chứng minh được việc đổi điểm. Và thực tế, nhiều thủ tục xử phạt hiện nay dựa trên ảnh chụp chất lượng kém hoặc quy trình tự động, vì thế có thể nhiều trường hợp xử phạt không được báo cáo - là một khâu mà ai đó có thể can thiệp và lợi dụng nhằm kiếm tiền.
Việc mua bán điểm bằng lái có thể diễn ra theo hai cách: chuyên nghiệp và bán chuyên. Trong giao dịch điểm bằng lái chuyên nghiệp, các đại lý trực tuyến cung cấp những người phù hợp với mức phí nhất định.
Cách thức không chuyên nghiệp thường diễn ra trong các nhóm riêng tư, người thân hoặc bạn bè có thể tự nguyện nhận lỗi thay - thường là không trả tiền.
Các nhà cung cấp thường tính phí theo từng bậc. Ví dụ, một công ty môi giới điểm nổi tiếng có tên "Rene Meyer" đưa ra mức giá sau đây cách đây vài năm: 250 euro cho mỗi điểm, 300 euro cho mỗi tháng cấm lái xe, phí xử lý 100 euro.
Ví dụ: bất kỳ ai lái xe vượt quá tốc độ giới hạn 22 km/h trong khu vực đông dân cư có thể bị trừ một điểm và phạt 90 euro. Khi giao dịch mua bán điểm, số tiền này nhanh chóng lên tới 430 euro. Vi phạm đèn đỏ với lệnh cấm lái xe có thể tốn hơn 1.100 euro - gấp nhiều lần so với số tiền phạt ban đầu.
ADAC kêu gọi chính phủ liên bang xem xét lại vấn đề để khiến hoạt động giao dịch này trở nên kém hấp dẫn. Hiệp hội đề xuất mức phạt lên tới 30.000 euro cho hành vi vi phạm.
Đầu năm nay, ADAC đã khảo sát 2.473 người trên 16 tuổi tại Đức. Câu hỏi đầu tiên được đưa ra là "Liệu bản thân tài xế có sử dụng hệ thống giao dịch điểm không?".
17% chưa quyết định và 20% cho là có thể. Chỉ có 21% số người được hỏi từ chối sử dụng hệ thống này.
"Giao dịch điểm có nên bị phạt không?" là câu hỏi thứ hai. 72% số người được hỏi ủng hộ hình phạt rõ ràng đối với giao dịch điểm bằng lái.
Về việc giao dịch riêng tư, 52% số người tham gia khảo sát đồng ý với hình phạt, và 36% thậm chí còn coi việc chuyển điểm riêng tư là "có thể chấp nhận được".
Mỹ Anh