Bộ NN&MT cho biết, theo phản ánh của báo chí và ghi nhận của cơ quan chuyên môn, tại nhiều khu vực như Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên (cũ - PV)..., tình trạng đổ đất, san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu trái phép diễn ra phổ biến, kéo dài trong thời gian qua.
Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn cản trở thoát lũ, làm gia tăng áp lực lên hệ thống đê.
Một công trình xây dựng vi phạm hành lang đê điều trên sông Hồng. Ảnh: DL.
Do vậy, Bộ NN&MT đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng: Kiểm tra, làm rõ các vi phạm; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với phần bãi sông, lòng sông bị san lấp, lấn chiếm; Quản lý chặt chẽ bãi sông, giải tỏa vật cản, không để phát sinh vi phạm mới; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân tại địa phương.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Bộ NN&MT “nhắc nhở” Hà Nội về tình trạng lấn chiếm đê điều. Gần đây nhất, tháng 2 vừa qua, Bộ đã có văn bản gửi các địa phương (trong đó có Hà Nội), yêu cầu giải tỏa vật cản, xử lý vi phạm lấn chiếm bãi sông, lòng sông, bảo vệ hành lang đê.
Đáng chú ý, trong đợt mưa lớn do bão số 3 năm 2024, mực nước trên nhiều tuyến sông như: Sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy… đã vượt mức lũ lịch sử, cho thấy áp lực ngày càng lớn đối với hệ thống đê.
Nếu không xử lý dứt điểm, tình trạng lấn chiếm bãi sông sẽ tiếp tục gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng trong mùa mưa lũ tới. Hà Nội cần hành động mạnh tay để giữ an toàn cho hệ thống đê điều và tính mạng người dân.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu kiểm tra thông tin xây nhà trái phép trên bãi sông Hồng
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu kiểm tra, làm rõ thông tin hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp ở khu bãi bồi sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân bị san lấp, xây nhà trái phép.
Nước sông Hồng dâng cao, tạm thời dừng hoạt động cầu phao Phong Châu
Nước sông Hồng tại khu vực cầu phao Phong Châu có lưu tốc lên tới 1,8m/s, Lữ đoàn Công binh 249 lắp thêm đốt cầu phao để đảm bảo hoạt động.